Ấn Độ – Trung Quốc và vụ đấm đá ở độ cao 4.260 m

01/06/2020 13:30

Lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ trên dãy Himalaya hồi đầu tháng 5, báo hiệu căng thẳng gia tăng giữa hai nước thời gian tới.

Sau cuộc đối đầu kể trên, quân đội Trung Quốc lại tiếp tục đụng độ với binh sĩ Ấn Độ tại một số điểm biên giới xa xôi khác ở dãy Himalaya, cách khoảng 1.600 km. Bắc Kinh và New Delhi vội vã gửi quân tiếp viện trong bối cảnh giới phân tích Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã tăng cường lực lượng của mình với xe tải, máy xúc, phương tiện vận chuyển, pháo binh và xe bọc thép.

Điểm đặc biệt trong các vụ đụng độ trên dãy Himalaya là binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc không sử dụng súng đạn, thay vào đó dùng đá, gậy gộc và tay không. Trong cuộc hỗn chiến tại hồ băng Pangong Tso, một số binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng tới mức cần phải sơ tán bằng trực thăng.

Đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ năm 2017, có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều rắc rối hơn đang chờ đợi phía trước. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới ngày càng xảy ra nhiều va chạm tại một trong những vùng biên giới xa xôi và hẻo lánh nhất trái đất – dãy Himalaya.

Ấn Độ - Trung Quốc và cuộc đối đầu ở độ cao 4,26 km - Ảnh 1.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới ngày càng xảy ra nhiều va chạm tại một trong những vùng biên giới xa xôi và hẻo lánh nhất trái đất – dãy Himalaya. Ảnh: Quartz

 

The New York Times bình luận rằng đối với Ấn Độ, hành động “xâm lược và diễn tập” của Trung Quốc tại nhiều điểm dọc biên giới hơn 3.370 km làm dấy lên nghi ngờ về một chiến dịch phối hợp nhằm gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.

TS Tanvi Madan, Giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings (Washington – Mỹ), cho biết đây là lần bùng nổ căng thẳng thứ tư giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông Modi dường như có ý định tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.

GS Brahma Chellaney đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (New Delhi – Ấn Độ), nhận định các cuộc giao tranh quân sự và bế tắc với Ấn Độ có thể là “cách Trung Quốc gửi thông điệp chính trị” để New Delhi không quá gần gũi với Washington.

Trong khi đó, Ấn Độ đang bị Trung Quốc bao vây bằng việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị tại Nam Á. Ở phía Tây, Trung Quốc đang hợp tác với Pakistan, “kẻ thù” của Ấn Độ và gần đây đồng ý giúp xây dựng một con đập khổng lồ ở biên giới Kashmir do Pakistan quản lý. Khu vực này cũng được Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.

Ở phía Đông, người bạn mới của Trung Quốc là Nepal, vừa tạo ra một bản đồ thách thức Ấn Độ về ranh giới. Ở phía Nam, sâu trong vùng nhiệt đới, Trung Quốc chiếm giữ một hòn đảo ở Maldives, cách bờ biển Ấn Độ vài trăm km. Các chuyên gia quân sự Ấn Độ cáo buộc Bắc Kinh chở hàng trăm ngàn tấn cát để mở rộng hòn đảo, có thể sử dụng làm đường băng hoặc căn cứ tàu ngầm.

Trung Quốc không chính thức thừa nhận bất kỳ sự triển khai lực lượng nào gần đây tại Himalaya. Nhưng một bài báo trên Thời báo Hoàn cầu hôm 18-5 dẫn một nguồn tin thân cận với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), thừa nhận quân đội Trung Quốc đã củng cố lực lượng để đáp trả việc Ấn Độ “xây dựng bất hợp pháp trong hoặc gần lãnh thổ Trung Quốc”.

Ấn Độ gần đây tăng cường cải thiện những con đường mà quân đội của họ sử dụng để đi qua các ngọn núi ở khu vực Ladakh, biên giới Tây Tạng. Những con đường này không dễ xây dựng. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc không có ý định phát động một cuộc chiến song họ muốn làm nản lòng nỗ lực xây dựng đường bộ của Ấn Độ. Hai nước đã thiết lập cơ chế giải quyết xung đột biên giới kể từ năm 1962 nhưng căng thẳng có thể dễ dàng bùng phát bất cứ lúc nào.

Phạm Nghĩa/NLĐ

 

Đọc nhiều