Ấn Độ muốn mua gấp trinh sát cơ Mỹ

24/09/2020 15:11

Quân đội Ấn Độ muốn sớm thông qua hợp đồng mua 30 máy bay MQ-9B từ Mỹ, trong đó 6 chiếc dự kiến được bàn giao trong vài tháng tới.

Nguồn tin giấu tên trong quân đội Ấn Độ hôm 23/9 cho biết tài liệu xác định tính cần thiết của máy bay không người lái (UAV) Mỹ sẽ được trình lên Hội đồng Mua sắm Quốc phòng để thúc đẩy thương vụ mua 30 UAV MQ-9B của nước này.

Hợp đồng sẽ chia làm hai giai đoạn, trong đó 6 chiếc MQ-9B với giá trị khoảng 600 triệu USD được đặt mua lập tức và bàn giao trong vài tháng, 24 chiếc còn lại bàn giao trong 3 năm tiếp theo.

Nguyên mẫu MQ-9B của Mỹ bay thử. Ảnh: General Atomics.
Nguyên mẫu MQ-9B của Mỹ bay thử. Ảnh: General Atomics.

Ấn Độ hồi năm 2017 lên kế hoạch mua 22 UAV Sea Guardian, phiên bản tuần thám hàng hải phi vũ trang của dòng MQ-9 Reaper, cho hải quân. New Delhi sau đó thay đổi ý định và quyết định mua các phiên bản vũ trang của dòng Reaper để trang bị cho cả ba quân chủng.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ thường mất vài năm để hoàn thành một hợp đồng mua sắm vũ khí. Tuy nhiên, căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới dường như thúc đẩy Ấn Độ đẩy nhanh quy trình, nhằm nhanh chóng sở hữu phi đội 6 máy bay MQ-9B và tăng cường khả năng trinh sát ở khu vực tranh chấp.

“Các phi cơ có thể lấy từ những chiếc vừa xuất xưởng, vốn dự kiến trang bị cho quân đội Mỹ và đồng minh. Chưa rõ chúng có kèm theo tên lửa Hellfire và các loại vũ khí đối đất khác hay không”, nguồn tin cho hay.

Hải quân Ấn Độ coi những chiếc MQ-9 là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong khu vực, nhờ hàng loạt thiết bị trinh sát và vũ khí hiện đại, cùng khả năng hoạt động liên tục đến 35 giờ và tầm bay lớn. Chúng cũng có thể hiệp đồng tác chiến cùng máy bay tuần thám P-8I Poseidon và trực thăng đa năng MH-60R trong biên chế hải quân Ấn Độ.

Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ hồi năm ngoái tỏ ý nghi ngờ năng lực UAV Mỹ sau vụ Iran bắn hạ chiếc RQ-4N trị giá 200 triệu USD. “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về hiệu quả tác chiến và khả năng sống sót của UAV Mỹ trong không phận nguy hiểm dọc biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc, những nước sở hữu hệ thống phòng không hiện đại”, quan chức không quân Ấn Độ giấu tên cho hay.

Binh sĩ Ấn – Trung nhiều lần đụng độ trên biên giới từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong trận đụng độ, phía Trung Quốc thừa nhận chịu thương vong song chưa công bố số liệu cụ thể.

Vụ ẩu đả đẫm máu khiến căng thẳng song phương lên cao chưa từng có, thúc đẩy hai nước tăng cường triển khai binh sĩ và các loại khí tài hạng nặng lên biên giới. Ấn Độ đang tiến hành chiến dịch hậu cần quy mô lớn nhằm tích trữ lương thực, đạn dược, trang thiết bị, nhiên liệu, vật tư phục vụ hoạt động trong mùa đông tới vùng Ladakh, trong khi Trung Quốc cũng tăng cường diễn tập ở cao nguyên Tây Tạng và khu tự trị Tân Cương giáp với Ấn Độ.

Giới chuyên gia lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng sở hữu vũ khí hạt nhân. Giới chức quân sự hai nước mới đây nhất trí sẽ không tăng thêm lực lượng ở biên giới, nhưng chưa thảo luận phương án rút bớt quân.

Vũ Anh/VE

Tags :
Đọc nhiều