Ấn Độ dùng trực thăng cẩu lựu pháo M777 lên biên giới: Sẵn sàng ứng chiến với Trung Quốc?

08/10/2019 19:08

Các chuyên gia quân sự đánh giá việc đưa lựu pháo M777 lên các vùng núi cao có thể sẽ không mang lại hiệu quả tác chiến như Ấn Độ kỳ vọng, nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác.

Đưa pháo Mỹ lên núi để đối phó với Trung Quốc?

Theo Sputnik, các đơn vị lựu pháo M777 là một phần quan trọng trong Quân đoàn Sơn cước gồm hơn 90.000 quân – lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất của Quân đội Ấn Độ bảo vệ tuyến biên giới dài khoảng 40.000km giáp với Trung Quốc.

Ấn Độ dùng trực thăng cẩu lựu pháo M777 lên biên giới: Sẵn sàng ứng chiến với Trung Quốc? - Ảnh 1.
Lựu pháo M777 được giới thiệu trong một buổi lễ của Quân đội Ấn Độ. Ảnh: indiatimes.

Bản thân M777 là mẫu lựu pháo mới đầu tiên của Quân đội Ấn Độ sau ba thập kỷ, khi chương trình mua sắm và trang bị pháo Haubits FH77 thất bại do các bê bối về tham nhũng. Điều khá ngạc nhiên là Quân đội Ấn Độ mất tới gần 40 năm cho kế hoạch trang bị FH77.

Và như New Delhi kỳ vọng, việc thay FH77 bằng M777 sẽ giúp nước này củng cố lại hệ thống phòng thủ dọc tuyến biên giới trên, bởi pháo binh đóng vai trò quan trọng trong tác chiến vùng núi khi hỗ trợ hỏa lực từ không quân bị hạn chế do yếu tố địa hình.

Trong khi đó các mẫu pháo kéo và pháo tự hành thông thường trong tác chiến trên vùng núi, địa hình phức tạp như ở vùng biên giới Aksai Chin lại có quá nhiều điểm hạn chế, nhất thiếu tính cơ động. Do đó Quân đội Ấn Độ cần tới một mẫu lựu pháo có khả năng tác chiếc cơ động và đáng tin cậy như M777.

Về mặt kỹ – chiến thuật, M777 có trọng lượng chiến đấu tương đối nhẹ chỉ hơn 4 tấn điều này cho phép di chuyển pháo bằng các mẫu trực thăng vận tải hạng nặng lên trên các vùng đồi núi có địa hình phức tạp hoặc thay đổi vị trí trận địa pháo trong khu vực.

Tầm bắn từ 24-40km của M777 cũng vừa đủ cho tác chiến vùng núi, nhưng điểm khiến Quân đội Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới M777 là việc nó có thể bắn các loại đạn pháo 155mm dẫn đường. Và mỗi viên đạn pháo bắn chính xác mục tiêu trên vùng núi sẽ mang lại hiệu quả không khác gì một đợt không kích bằng tên lửa.

Chính vì vậy, Quân đội Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán với Mỹ về hợp đồng mua 145 pháo M777 từ năm 2010. Trong đó 25 khẩu sẽ do BAE Systems chế tạo còn 120 khẩu còn lại sẽ được sản xuất ở Ấn Độ dưới dạng chuyển giao công nghệ. Hợp đồng này dựa kiến sẽ hoàn tất vào năm 2021.

Ấn Độ dùng trực thăng cẩu lựu pháo M777 lên biên giới: Sẵn sàng ứng chiến với Trung Quốc? - Ảnh 3.
Trực thăng Chinook và lựu pháo M777 sẽ là bộ đôi giúp Quân đội Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ biên giới phía đông đối phó Trung Quốc và Pakistan. Ảnh: MiliSource.

Từ điểm này có thể thấy Quân đội Ấn Độ nhiều khả năng đã đưa vào trang bị những khẩu M777 đầu tiên, và chúng sẽ sớm được biên chế cho Quân đoàn Sơn cước đang đóng quân ở biên giới phía đông nước này.

Tất nhiên để có thể đưa pháo M777 lên trên núi Quân đội Ấn Độ cần tới những mẫu trực thăng hạng nặng như CH-47F Chinook, và 6 trong số 15 chiếc Chinook mà New Delhi mua từ Mỹ vào năm 2015 đã về đến Ấn Độ.

Đưa M777 vào trực chiến quá sớm có thể khiến Ấn Độ thua đau?

Như vậy, về cơ bản Quân đội Ấn Độ đã hoàn thành bước đầu tiên trong việc xây dựng một đơn vị pháo sơn cước với lựu pháo M777, củng cố năng lực phòng thủ ở tuyến biên giới phía đông đối phó không chỉ với Trung Quốc mà cả Pakistan.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự lại nhận định Ấn Độ có thể đã quá vội vàng khi triển khai M777 ra khu vực biên giới, bởi với pháo binh Ấn Độ đặc biệt là lực lượng sơn cước vẫn chưa thể làm chủ hoàn toàn khẩu pháo hiện đại của Mỹ.

Ấn Độ dùng trực thăng cẩu lựu pháo M777 lên biên giới: Sẵn sàng ứng chiến với Trung Quốc? - Ảnh 4.
Dù M777 có khả năng tác chiến vùng nú xuất sắc nhưng việc không đáp ứng tốt vấn đề hậu cần có thể sẽ khiến pháo binh Ấn Độ thua ngay trước khi cuộc chiến nổ ra. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Trong khi đó, vận hành M777 không hề đơn giản như các mẫu pháo thông thường và kíp pháo thủ cần được đào tạo cũng như làm quen trong thời gian nhất định. Với số pháo M777 mà Quân đội Ấn Độ hiện có (trên dưới 10 khẩu) việc đảm bảo cho đào tạo huấn luyện còn khó chứ chưa nói tới chiến đấu.

Mặt khác, nguồn cung đạn dược và hậu cần cho các đơn vị pháo M777 của Quân đội Ấn Độ vẫn chỉ mới trong giai đoạn đầu xây dựng, vậy thử hỏi khi xảy ra xung đột ở biên giới, New Delhi sẽ lấy đâu ra đạn để M777 bắn và những khẩu pháo này có thể cầm cự trong bao lâu trước khi hết đạn?

Bởi theo một báo cáo của Cơ quan Tổng kiểm toán Ấn Độ (CAG) trong năm 2017 cho biết, có tới 61 loại đạn dược trong tổng số 152 chủng loại mà Quân đội Ấn Độ dự tính sẽ dùng trong một cuộc chiến tranh cường độ cao chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong 10 ngày. Tình trạng này tới nay vẫn chưa được Quân đội Ấn Độ khắc phục triệt để.

Đó là với các loại đạn dược cũ có sẵn trong biên chế, vậy với các loại vũ khí mới như lựu pháo M777 tình trạng còn sẽ thê thảm tới chừng nào.

Điều này cũng tương tự đối với trực thăng Chinook, khi Quân đội Ấn Độ chưa có kinh nghiệm vận hành các mẫu trực thăng quân sự của Mỹ, và họ còn định sử dụng nó ở các khu vực đồi núi có địa hình phức tạp.

Do đó việc Quân đội Ấn Độ đưa M777 vào trực chiến quá sớm có thể sẽ giúp nước này phô trương thanh thế nhưng về thực chất không mang lại hiệu quả trong tác chiến, thứ mà họ đang cần hơn lúc nào hết.

An An/Soha News

Đọc nhiều