Ấn Độ âm thầm gia tăng sự hiện diện ở biển Đông

06/11/2019 06:13

Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ đông Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương, giúp Ấn Độ tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.

Sáng 3-11, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển. Ông Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng đông (LEP) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).

Trong một bài viết cho tạp chí The National Interest, TS quan hệ quốc tế Mark Rosen nhận định trong bối cảnh các diễn biến căng thẳng ở biển Đông, Ấn Độ đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc thi hành LEP. Trung Quốc (TQ), nước đã nhiều năm cố kiềm chế sự can dự gia tăng của New Delhi vào biển Đông, dường như lại không quá tập trung vào động thái này của Ấn Độ. Quyết định của Ấn Độ muốn tự tham gia vào một môi trường phức tạp như vậy, ngay cả khi có nguy cơ kích động nước láng giềng khổng lồ của mình, cho thấy mức quan tâm đáng kể mà New Delhi đặt vào khu vực này.

An ninh dầu khí – mục tiêu của Ấn Độ ở biển Đông

Năng lượng là một yếu tố quan trọng Ấn Độ quan tâm ở biển Đông. Năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, các chuyên gia trong ngành dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm. 80% tổng nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ là từ nhập khẩu nên nước này nhiều khả năng sẽ cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng mới khi nhu cầu trong nước tăng lên. Các trữ lượng năng lượng tiềm năng ở biển Đông đã thu hút được sự quan tâm của New Delhi. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính khu vực này có thể chứa tới 11 tỉ thùng dầu và 19.000 tỉ khối khí đốt dự trữ. Như vậy, Ấn Độ đã và đang liên tục tham gia các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi ở biển Đông kể từ đầu những năm 1990, đấu thầu các lô dầu khí mới và tiến hành thăm dò dầu mỏ trong khu vực này.

Tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đã chuyển thành lợi ích an ninh quốc gia đối với New Delhi. Với một nửa thương mại đường biển của mình đi qua eo biển Malacca, bất kỳ sự bất ổn nào ở biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến các tuyến đường vận chuyển và gây ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ. Tương tự, nếu toàn bộ biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của một quốc gia cụ thể nào đó (mà ở đây nhiều khả năng là TQ), nó có thể đe dọa việc Ấn Độ tiếp cận tuyến đường biển sống còn. Do đó, sự tham gia của New Delhi vào biển Đông tập trung vào ba mục tiêu: (i) Để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và giữ cho các tuyến đường biển sống còn này luôn rộng mở; (ii) Để duy trì quan hệ thân thiết với các cường quốc khu vực; (iii) Để đảm bảo rằng không có sức mạnh bên ngoài hung hăng tiềm ẩn nào chi phối khu vực này.

Ấn Độ âm thầm gia tăng sự hiện diện ở biển Đông - ảnh 1
Hải quân Ấn Độ tham gia tập trận chung với lực lượng các nước Mỹ, Philippines, Nhật Bản trên biển Đông hồi tháng 5-2019. Ảnh: AP

Tăng cường hợp tác, gia tăng hiện diện

Thông qua LEP, New Delhi đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược cũng được mở rộng thông qua các cuộc tập trận chung, huấn luyện quân sự và bán vũ khí cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ của các khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn mang lại “nhận thức lĩnh vực” về những phát triển tiềm năng của khu vực.

ASEAN cũng muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh mới nổi của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và việc này phù hợp với hình ảnh của New Delhi là một cường quốc mới nổi của thế giới.

GS BALADAS GHOSHAL, Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột Ấn Độ

Sự hợp tác này cũng là để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ trong khu vực. Trong lịch sử, cả hai nước đều bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, từng dẫn đến một cuộc chiến tranh vào năm 1962 và cho đến ngày nay vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng đôi lúc dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Cuộc đối đầu ở Doklam trong năm 2017 cho thấy cuộc xung đột giữa hai bên vẫn là một viễn cảnh thực sự. Do đó, theo quan điểm của New Delhi, điều cấp bách là biển Đông không trở thành một cái “hồ của TQ”.

Kiềm chế những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đòi hỏi phải có nhận thức ngoại giao khôn ngoan và cân bằng tinh tế từ Ấn Độ. Một mặt, quốc gia Nam Á này muốn duy trì quan hệ hữu nghị với các bên có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Mặt khác, nước này phải tránh gây kích động thái quá cho người láng giềng TQ. Theo quan điểm của New Delhi, trong khi các hoạt động như thăm dò năng lượng và bán vũ khí cho khu vực sẽ bị Bắc Kinh phản ứng thì những việc mạo hiểm như trên sẽ khó có thể gây ra gì hơn ngoài một tuyên bố ngoại giao từ TQ.

Vào cuối năm 2017, đối thoại an ninh Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã bất ngờ xuất hiện trở lại, cho thấy lo ngại ngày càng gia tăng đối với sự trỗi dậy của TQ. Chiến lược quân sự của Mỹ được công bố gần đây cho thấy sự thay đổi trọng tâm đối với TQ và Nga. Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ để đối trọng với hiện diện của TQ trong khu vực. Hơn nữa, nó cũng có thể báo hiệu sự quan tâm mới của Washington để ngăn chặn hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông. Dù có hay không có Mỹ, Ấn Độ vẫn phải tiếp tục tăng cường quan hệ với khu vực này và đóng một phần vai trò trong việc quản lý vùng biển khó kiểm soát này.

Việt Nam ghi nhận Ấn Độ tăng cường hợp tác với ASEAN

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16 hôm 3-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, ASEAN – Ấn Độ sẽ bước vào chu kỳ hợp tác mới với Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng khẳng định cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như phát triển kinh tế biển, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Các lãnh đạo cũng ghi nhận quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ đang tiến triển rất tích cực những năm qua với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 80,8 tỉ USD và FDI từ Ấn Độ sang các nước ASEAN đạt 1,7 tỉ USD. Hợp tác được đẩy mạnh toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

VĨ CƯỜNG/Pháp Luật TP.HCM

Đọc nhiều