420
category
320983

Âm mưu Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

17/08/2019 08:06

Chỉ năm ngày sau khi ngừng các hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã tái diễn hành động phạm pháp.

Trung Quốc ngang ngược muốn biến của người thành của mình

Thách thức luật pháp quốc tế

Tờ Japan Times (Nhật Bản) nhận định việc đưa tàu địa chất Hải Dương 8 quay lại vùng biển của VN phản ánh một “thông điệp cứng rắn” của Bắc Kinh với các nước. Chuyên gia phân tích cao cấp Devin Thorne, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS), cho rằng hoạt động của tàu địa chất Hải Dương 8 (tại vùng biển VN) phản ánh việc sử dụng có chủ đích các nguồn lực dân sự, thương mại, khoa học và bán quân sự để theo đuổi lợi ích và tham vọng lâu dài của TQ ở biển Đông.

Thực tế cho thấy để triển khai tàu địa chất Hải Dương 8, Bắc Kinh phải sử dụng ít nhất hai tàu hải cảnh, rất đông tàu dân quân biển (bản chất là tàu quân sự nhưng được đội lốt tàu dân sự). Ngoài ra ở lớp ngoài cùng, tàu chiến và các hoạt động tập trận, đưa khí tài ra biển Đông cũng là cách Bắc Kinh hậu thuẫn cho các hoạt động phi pháp tại biển VN.

“Việc HDDZ 8 quay lại xâm phạm lãnh hải VN đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước. Điều này càng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đảo nhân tạo, của lực lượng hải cảnh TQ. Có thông tin cho rằng phần lớn các tàu hải cảnh lớn nhất của TQ đã được phái tới khu vực tranh chấp để củng cố sức mạnh cho tàu khảo sát” – ThS Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), bình luận.

Cũng theo ông Phương, cùng với các sự kiện xâm nhập lãnh hải Philippines và Malaysia gần đây, dường như Bắc Kinh đang muốn khẳng định ba điều: (i) Khả năng kiểm soát thực tế của TQ với các vùng nước trong yêu sách đường chín đoạn phi pháp; (ii) ép buộc các quốc gia chấp nhận từ bỏ khai thác tài nguyên đơn phương, thay vào đó ít nhất là phải tiến hành cùng khai thác với TQ; và (iii) tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế, không thừa nhận phán quyết Tòa Trọng tài dù nước này là một thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ngư dân Trung Quốc xuất hiện trên tàu của nước này tại bãi cạn Scarborough Shoal. Ảnh: REUTERS
Ngư dân Trung Quốc xuất hiện trên tàu của nước này tại bãi cạn Scarborough Shoal. Ảnh: REUTERS

Chiến thuật “chuyển lửa ra ngoài”?

Cần phải khẳng định rằng về mặt chiến lược, giới chính trị gia và giới quan sát quốc tế đều đồng thuận rằng TQ đã có ý đồ biến biển Đông thành “ao nhà” từ hàng thập niên trước. Chiến lược của Bắc Kinh nhằm độc chiếm biển Đông được triển khai qua các nước cờ nguy hiểm như “tằm ăn dâu”, “cờ vây”, hay gần nhất là “Tam chủng chiến pháp” mà Pháp Luật TP.HCM đã phân tích: dư luận chiến, tâm lý chiến và pháp lý chiến.

Diễn biến hiện nay cho thấy thái độ và lập trường cứng rắn của phía VN trước các hành động của Bắc Kinh. Phía VN cho biết đã dùng ngoại giao qua nhiều kênh để yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng Bắc Kinh không theo. Vậy nên khi VN quyết liệt phản ứng, TQ chọn cách kéo dài sự hiện diện của tàu khảo sát để bày tỏ thái độ không hài lòng.

ThS NGUYỄN THẾ PHƯƠNG, nghiên cứu viên SCIS

Tuy nhiên, quan sát các hành động leo thang gần đây của Bắc Kinh, có thể dự đoán ít nhiều TQ đang muốn áp dụng chiến thuật “chuyển lửa” từ nội địa ra ngoài biển Đông. TQ đang đối đầu thương chiến với Mỹ, cùng với một số vấn đề về thể chế khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, thậm chí là suy yếu đáng kể. Vấn đề Hong Kong cũng vượt ngoài sức tưởng tượng của Bắc Kinh khi cuộc biểu tình xảy ra với quy mô ngày càng lớn. Trong đó, TQ đặc biệt quan tâm và phản đối sự can dự của Mỹ, Anh và các nước phương Tây. Uy tín của Bắc Kinh cũng được phản ánh qua sự kiện Hong Kong.

“Đó là lý do tôi cho rằng rất có khả năng TQ muốn đánh lạc hướng dư luận, đưa sự quan tâm của người TQ và nước ngoài về hướng biển Đông để tình hình trong nước dịu lại” – ông Nguyễn Thế Phương nói thêm.

Đừng sập bẫy “khai thác chung” của Trung Quốc ở biển Đông

Dù đề xuất thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc (TQ) vấp phải nhiều phản đối tại Philippines, hôm 11-8, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, Salvador Panelo, cho rằng đây có thể là một giải pháp cho tranh chấp với Bắc Kinh.

Đài ABS-CBN dẫn lời ông Panelo cho rằng khi cả Manila và Bắc Kinh đều không lùi bước, vì vậy điều tốt nhất là đồng ý sử dụng tài sản đó có lợi cho cả hai bên. Cũng theo vị này, đề xuất tỉ lệ chia sẻ 60-40, trong đó Manila được phần nhiều hơn, là có lợi cho Philippines.

Trước đó Tổng thống Duterte nhiều lần lặp lại quan điểm muốn hợp tác với Bắc Kinh hơn là chống lại bởi Manila lo ngại không thể gây chiến với TQ. “Các bạn muốn làm gì ở biển Đông? Tôi phải dùng thái độ hung hăng nào để thuyết phục người TQ rời khỏi đó?” – ông Duterte phát biểu trong lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao Philippines ở TP Pasay vào tháng 6 năm ngoái.

Khoảng một năm sau, ông Duterte giải thích rõ ràng hơn quan điểm của mình trước Quốc hội Philippines: “Khi ông Tập (Chủ tịch TQ Tập Cận Bình) nói “Tôi sẽ đánh bắt cá”, ai có thể ngăn được ông ấy? Nếu tôi gửi lực lượng thủy quân lục chiến đuổi ngư dân TQ, tôi đảm bảo không còn ai trong số họ trở về”.

Nhiều chuyên gia Philippines và giới quan sát quốc tế nhận định việc Philippines đồng ý khai thác chung với TQ trên chính vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ là một thất bại của Manila trước nước cờ “tâm lý chiến” của TQ. Bắc Kinh trên thực địa đã triển khai nhiều hành động leo thang như quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp, triển khai tàu quân sự được đội lốt tàu đánh cá để gây hấn, va đâm tàu các nước khác. Mục tiêu không phải gây chiến tranh mà là tìm lợi thế ở “vùng xám” bằng cách dọa nạt để đối thủ sợ mà từ bỏ hoặc chí ít để TQ khai thác tài nguyên chung. Trong dài hạn, “khai thác chung” sẽ là bàn đạp để Bắc Kinh tiến hành nước cờ đẩy Philippines ra khỏi biển của họ.

Không loại trừ khả năng TQ áp dụng bài học kinh nghiệm từ Philippines để gây sức ép nhằm yêu cầu các quốc gia khác đàm phán với Bắc Kinh theo hướng “khai thác chung”. Nhận định này càng có cơ sở khi TQ một mặt cùng lúc đe dọa hoạt động kinh tế của nhiều nước (Malaysia, Philippines, VN), mặt khác lại đang tỏ ra lạc quan và thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các nước ASEAN. Vì vậy, thận trọng nhận diện chiêu trò này sẽ giúp các nước ở biển Đông không bị sập bẫy của TQ.

ĐỖ THIỆN

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Đọc nhiều