Âm mưu phi nghĩa “biến giả thành thật” và “hàng đống tin giả” của Trung Quốc ở biển Đông
Khi Bắc Kinh không ngừng xuyên tạc, tung tin giả về chủ quyền ở Biển Đông, muốn ‘biến giả thành thật’, hơn lúc nào hết chúng ta phải đẩy mạnh thông tin truyền tải đến bạn bè thế giới về tính chính nghĩa của mình. Đó là một cách đấu tranh.
Báo ABS-CBN của Philippines hôm 19-7 dẫn phát biểu của ông Antonio Carpio, phó chánh án Tòa án tối cao Philippines, rằng việc Bắc Kinh tuyên truyền Biển Đông thuộc về Trung Quốc là “tin giả của thế kỷ”, “lời nói dối lịch sử” và “nếu họ lặp đi lặp lại luận điệu sai trái này mà chúng ta không bác bỏ sẽ có những người nghĩ đó là sự thật”.
Trung Quốc gần đây liên tục xuyên tạc rằng bãi Tư Chính (hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam), nơi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang hoạt động trái phép, là “một phần của quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV) và vùng biển liên quan” thuộc yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của nước này.
Xuyên tạc, tung tin giả về chủ quyền ở Biển Đông, Bắc Kinh muốn “biến giả thành thật”, là bước đi nguy hiểm mà chúng ta không khoan nhượng.
Những “tin giả” và giọng điệu “vừa ăn cướp vừa la làng” về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được đẩy mạnh qua nhiều kênh khác nhau, gồm: báo chí nhà nước bằng nhiều ngôn ngữ (Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật Báo, Hoàn Cầu Thời Báo…), mạng xã hội Weibo, mặt trận học thuật (các bài nghiên cứu, hội thảo khoa học…), và thậm chí cả phim ảnh, sách giáo khoa, game online…
Về mặt trận thông tin liên quan đến khu vực bãi Tư Chính, như đánh giá của nhiều học giả nước ngoài, Việt Nam đã làm tốt khi nêu đích danh và lên án nhóm tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam thông qua các tuyên bố của Bộ Ngoại giao và thông điệp ở Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Bangkok mới đây.
Trên các kênh báo chí và truyền thông xã hội ở Việt Nam, các học giả và chuyên gia Biển Đông trong và ngoài nước liên tục phân tích các góc độ pháp lý chỉ rõ hành vi sai trái của Trung Quốc trong hơn một tháng qua.
Tuy nhiên, dường như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giới học giả phương Tây, mong đợi nhiều thông tin từ Việt Nam.
Nói như GS Jerome Cohen (Trường Luật, Đại học New York) với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi muốn nghe thêm các quan điểm của Việt Nam thông qua các bài bình luận báo chí, nghiên cứu trên các tạp chí chuyên sâu, các bài phát biểu và hội nghị bằng ngôn ngữ tiếng Anh”.
Chúng ta đã và đang truyền tải đến bạn bè thế giới về tính chính nghĩa của mình. Đó là một cách đấu tranh.
Cần nhắc lại những bài học về sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Sau 75 ngày hoạt động trái phép, giàn khoan Hải Dương 981 và nhóm tàu hộ tống phải rút khỏi vùng biển Việt Nam, khi cộng đồng quốc tế cùng lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc.
Khi đó, Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giải thích rõ lập trường của mình, cập nhật tình hình trên biển để dư luận các nước hiểu rõ sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc…
Vì thế, cần đẩy mạnh thông tin về tính chính nghĩa của Việt Nam trên các tạp chí chuyên ngành, các báo nước ngoài uy tín và truyền thông xã hội để góp phần vạch trần hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.
Khi tính chính nghĩa càng lan xa, “hàng đống tin giả” và những âm mưu phi nghĩa của những kẻ lăm le chiếm biển của Việt Nam sẽ bị khuất phục.
QUỲNH TRUNG/Tuổi Trẻ