Khung cảnh người Ấn Độ oằn mình giữa “địa ngục trần gian”

Bảo Trâm 09/06/2022 10:30

Một đợt nắng nóng nghiêm trọng đang quét qua miền Bắc Ấn Độ với nhiệt độ lên tới 49,2 độ C tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi. Những lao động ngoài trời là người cực khổ nhất. Đó là chưa kể đến việc nắng nóng cao độ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước ở Ấn Độ, khiến nơi đây chẳng khác nào “địa ngục trần gian”.

Từ những ngày đầu tháng 5, Ấn Độ đã chịu ít nhất 3 đợt nhiệt lên đến gần 50 độ C, chủ yếu tập trung tại miền Bắc Ấn Độ. Đặc biệt, hôm 15/5, nhiệt độ tại New Delhi lên tới 46,7 độ C, gần chạm mức kỷ lục của tháng, khiến hàng chục người tử vong.

Không chỉ nắng nóng khiến người dân Ấn Độ khổ sở, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người dân. Người dân Ấn Độ còn đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Theo người dân Ấn Độ, mùa hè năm nay, thậm chí còn khắc nghiệt hơn những năm trước, với nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở nhiều khu vực vào đầu mùa. Điều này làm tăng thêm nguy cơ mất nước và đột quỵ do nắng nóng.

Dòng sông khô cằn, không một giọt nước tại Ấn Độ

Ấn Độ đã thúc giục các quan chức của họ lập kế hoạch hành động để cải thiện nhiệt độ và đang nỗ lực để tăng nguồn cung cấp nước sạch lên hơn 50 lít một ngày cho mỗi người dân ở vùng nông thôn vào năm 2024.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, họ đặt mục tiêu xây dựng nhà máy khử mặn ở các khu vực ven biển, tận dụng nguồn tài nguyên hiện có và tăng cường mực nước ngầm – vốn đã giảm 61% trong một thập kỷ kể từ năm 2007, theo thống kê từ chính phủ hồi năm 2019.

Theo các nhà khoa học, đợt nắng nóng thiêu đốt tại Ấn Độ và Pakistan khiến khả năng khủng hoảng khí hậu xảy ra cao gấp 30. Nhiệt độ khắc nghiệt và lượng mưa thấp kể từ giữa tháng 3 đã gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng, bao gồm cả người chết, mất mùa, cháy rừng và nguồn cung cấp điện và nước bị cắt.

Đây là nghiên cứu mới nhất cho thấy những tác động vốn đã nghiêm trọng của sự nóng lên toàn cầu đối với hàng triệu người, mặc dù nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng 1,2 độ C so với mức từ thời tiền công nghiệp cho đến nay. Các nhà khoa học ước tính nếu nhiệt độ tăng lên đến 2 độ C, các đợt nắng nóng gay gắt như hiện tại sẽ diễn ra thường xuyên ở Ấn Độ và Pakistan.

Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Met Office (Anh) đã so sánh nhiệt độ cao nhất ở Tây Bắc Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 5 năm 2010 với năm 2022 để thấy rằng nhiệt độ hiện tại trong khu vực đang trên đà tăng cao hơn kỷ lục trước đây.

Các nhà khoa học phát hiện ra đợt nắng nóng năm 2010 có khả năng xảy ra cao hơn 100 lần trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện tại. Phân tích cũng cho thấy vào cuối thế kỷ 21, những đợt nắng khắc nghiệt như vậy sẽ xảy ra hầu như hàng năm, ngay cả khi lượng khí thải carbon giảm.

Ông Paul Hutcheon tại Met Office cho biết: “Nhiệt độ tối đa có thể đạt tới 50°C vào cuối tuần và nhiệt độ ban đêm cũng không giảm nhiều”.

Các phân tích khác cũng chỉ rõ những trận lũ lụt ở Nam Phi và châu Âu, sóng nhiệt ở Bắc Mỹ và các cơn bão ở Đông Nam châu Phi đã tăng lên do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đợt nắng nóng kéo dài hiện nay vẫn là một sự kiện hiếm gặp ngay cả với tình trạng nóng lên toàn cầu, với 1% khả năng xảy ra mỗi năm. Điều này có nghĩa là các đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ là “cực kỳ hiếm” nếu không có khủng hoảng khí hậu.

Giáo sư Krishna Achuta Rao tại Trung tâm Khoa học khí quyển tại IIT Delhi (Ấn Độ) cho biết: “Nhiệt độ cao là phổ biến ở Ấn Độ và Pakistan, nhưng điều này trở nên bất thường khi nó bắt đầu quá sớm và kéo dài quá lâu. Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi nhiệt độ tăng lên và chúng tôi cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với nó”.

Khủng hoảng nước sạch cũng đang đe dọa sự sống người dân Ấn Độ

Tiến sĩ Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London (Anh), người đứng đầu nhóm Phân tích thời tiết thế giới, cho biết: “Ở các quốc gia mà chúng tôi có dữ liệu, sóng nhiệt là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất. Chừng nào việc phát thải khí nhà kính còn tiếp tục, những sự kiện như thế này sẽ ngày càng trở thành một thảm họa phổ biến”.

Tiến sĩ Friederike Otto thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) khẳng định: “Hậu quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã quá rõ ràng. Nếu thế giới không giảm mạnh sử dụng dầu, khí đốt và than đá, các tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ tiếp tục tồi tệ hơn”.

Mặt khác, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các chỉ số toàn cầu về cuộc khủng hoảng khí hậu đã phá vỡ các kỷ lục mới nhất vào năm 2021, từ mực nước biển dâng đến mức độ phát thải nhà kính trong bầu khí quyển.

Bảo Trâm (Theo Washington Post, India Times)

Đọc nhiều