Al-Monitor: Xung đột Azerbaijan-Armenia, đòn cực hiểm của Thổ giữa lúc Nga “nặng gánh”?

09/10/2020 14:48

 

Nhà báo Fehim Tastekin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng thời điểm Nga đang mang trên mình các “gánh nặng” khó có thể sớm gỡ bỏ để ra đòn hiểm ở Nagorno-Karabakh.

Al-Monitor: Xung đột Azerbaijan-Armenia, đòn cực hiểm của Thổ giữa lúc Nga "nặng gánh"?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chụp ảnh trước một chiếc UCAV Bayraktar TB2.

Hôm 8/10, tờ al-Monitor đăng tải bài phân tích của nhà báo Fehim Tastekin nhan đề: “Erdogan dealt strong hand against Putin in Azerbaijan-Armenia war” (tạm dịch: Tổng thống Thổ Erdogan ra đòn hiểm nhằm vào người đồng cấp Nga Putin trong cuộc chiến Azerbaijan-Armenia).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là khi diễn biến chiến sự ở Nagorno-Karabakh đang theo chiều hướng có lợi cho phía Azerbaijan và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Nga càng thận trọng, Thổ Nhĩ Kỳ càng quyết ra đòn hiểm?

Bằng cách cung cấp cho Azerbaijan cố vấn, hỗ trợ kỹ thuật và máy bay không người lái vũ trang (UCAV), Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia đang tự định vị mình như một bên liên quan tới tiến trình giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh trong tương lai, đã tỏ rõ việc họ đang nghiêng về một phía.

Cho rằng Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) không đạt được bất kỳ tiến bộ nào kể từ năm 1994, Ankara đang nỗ lực để đạt được vị thế vững chắc ở các cuộc “họp kín” nhằm tác động tới một loạt các giải pháp cho cuộc xung đột.

Đóng vai trò “phát ngôn viên” của Baku, Ankara đã ra điều kiện để ngừng bắn là “Armenia phải rút khỏi các lãnh thổ mà họ chiếm đóng”, một hành động được cho là qua mặt Nhóm Minsk bao gồm Nga, Pháp và Mỹ.

Al-Monitor: Xung đột Azerbaijan-Armenia, đòn cực hiểm của Thổ giữa lúc Nga nặng gánh? - Ảnh 1.
Một nhóm các tay súng người Armenia ra hàng tại Nagorno-Karabakh hôm 3/10 (Nguồn: Pakistan Defense).

Hôm 6/10, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng đã khẳng định rằng Ankara “nên tham gia vào quá trình dàn xếp” về vấn đề Nagorno-Karabakh, đồng thời ca ngợi hiệu quả trong hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng Armenia của các UCAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Dựa trên các thông điệp của cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Azerbaijan, người ta có thể đưa ra các suy luận sau về tính toán của họ trong cuộc xung đột là mục tiêu sử dụng giải pháp quân sự “giải phóng” toàn bộ Nagorno-Karabakh, không chỉ 7 quận bị lực lượng Armenia chiếm đóng xung quanh.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là liên quan tới một nhân tố quan trọng là cách tiếp cận thận trọng của Nga ở Caucasus (Kavkaz) – được cho là liên quan tới các “gánh nặng” mà Moscow đang mang trong các cuộc xung đột ở Syria, Libya và Ukraine.

Trong khi người Mỹ thì đang bận tâm đến cuộc bầu cử tổng thống của mình còn Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã mất đi “sức nặng ngoại giao” còn Armenia đã không thu hút được đủ sự ủng hộ mà họ mong muốn từ cộng đồng quốc tế.

Al-Monitor: Xung đột Azerbaijan-Armenia, đòn cực hiểm của Thổ giữa lúc Nga nặng gánh? - Ảnh 2.
Hôm 8/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành một loạt các cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhằm kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.

Dấu hiệu cho thấy “cuộc phiêu lưu” sắp chấm hết?

Tuy nhiên, nếu giao tranh đẫm máu ở Nagorno-Karabakh tiếp tục kéo dài, nó có thể tạo ra một “cái giá phải trả” không mong muốn cho Baku và Ankara liên quan tới các vấn đề quân sự, nhân đạo, kinh tế và ngoại giao và buộc họ phải xem xét lại kế hoạch.

Do đó, việc Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại bàn đàm phán có thể sẽ trở thành điều không thể tránh khỏi sau một vài chiến thắng cục bộ ở phía đông nam Nagorno-Karabakh tại các khu vực Jabrail và Fuzuli.

Al-Monitor: Xung đột Azerbaijan-Armenia, đòn cực hiểm của Thổ giữa lúc Nga nặng gánh? - Ảnh 4.
Bản đồ chiến sự tại đông nam Nagorno-Karabakh tính tới cuối ngày 8/10 với đường màu vàng là giới tuyến từ năm 1994, đường màu xanh lá cây là chiến tuyến được lực lượng Armenia xác nhận và đường màu trắng là chiến tuyến mà Azerbaijan tuyên bố nhưng chưa xác thực.

Trong một dấu hiệu cho thấy Baku đang tiến gần đến “thời khắc” này, hôm 4/10, ông Aliyev đã thúc giục đối thủ Yerevan đặt ra một “thời gian biểu” để rút khỏi Nagorno-Karabakh và các lãnh thổ của Azerbaijan bị chiếm đóng xung quanh.

Đây là một điều kiện ngừng bắn có phần nhẹ nhàng hơn so với các tuyên bố cứng rắn về việc Armenia phải triệt thoái hoàn toàn khỏi Nagorno-Karabakh trước đó của Ankara.

Chuyến thăm ngày 6/10 của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tới Baku cũng được đánh giá là một “dấu hiệu khác” cho thấy một lộ trình ngoại giao liên quan tới cuộc xung đột đang dần được mở ra.

Fehim Tastekin là nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ là một cây viết cho chuyên trang Turkey Pulse, biên tập viên sáng lập của Agency Caucasus, đồng thời là một người dẫn chương trình cho IMC TV.

Là một nhà phân tích chuyên về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vấn đề tại Caucasus, Trung Đông và Liên minh Châu Âu (EU), các bài viết của Tastekin cũng đã từng được đăng tải trên các tờ Radikal và Hurriyet.

Fehim Tastekin cũng là tác giả của các cuốn sách “Suriye: Yikil Git, Diren Kal,” “Rojava: Kurtlerin Zamani” và “Karanlık Coktugunde – ISID”.

Hoài Giang/TTT

Đọc nhiều