8
category
455923

Ai thiệt, ai lợi khi Grab tăng giá cước?

10/12/2020 11:05

Grab nói tăng giá cước để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi tăng nghĩa vụ thuế VAT nhưng thực tế họ đang đẩy phần thiệt cho khách hàng và tài xế.

Grab mới đây đã tăng 5-6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Nghị định 126 – thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ – có hiệu lực.

Ngoài tăng giá, Grab cũng tăng mức khấu trừ với tài xế lên 27,27%. Tỷ lệ được giải thích là vẫn đảm bảo mức ăn chia 80:20 (tài xế 80% và Grab 20%) như trước, còn phần chênh là thu hộ thuế VAT.

Trước đây, VAT được thu như sau: Tài xế đóng 3% trên doanh thu thực nhận và Grab đóng 10% trên phần khấu trừ thu về. Còn từ 5/12, theo Nghị định 126, các doanh nghiệp như Grab phải kê khai và nộp toàn bộ VAT (thuế suất 10% trên tổng hóa đơn khách hàng trả mỗi cuốc xe).

Theo tính toán của PV, với mức thay đổi này, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu được 1-3,7 lần so với trước và phần chênh lệch này được đẩy sang khách hàng và tài xế. Tài xế nếu muốn chịu mức thiệt hại thấp nhất thì phải chạy nhiều hơn, đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Các tài xế đình công vào đầu giờ chiều 7/12 ở Hà Nội. Ảnh: Anh Tú.
Các tài xế đình công vào đầu giờ chiều 7/12 ở Hà Nội.

So sánh dưới đây sẽ phân tích rõ thay đổi quyền lợi của các bên, khi có Nghị định 126 đồng thời Grab tăng giá cước 5%. Giả định giá cuốc xe là 100.000 đồng. Do chính sách thuế với các tài xế có thu nhập dưới và từ 100 triệu đồng mỗi năm khác nhau, tính toán sẽ chia làm hai trường hợp.

– Với các tài xế có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm

 
Trước 5/12, tài xế phải đóng 3% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu thực nhận. Sau 5/12, Grab kê khai và nộp hộ VAT trên 10% tổng doanh thu cuốc xe, tài xế đóng 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Nhưng giá cước tăng lên và tỷ lệ chiết khấu của họ giảm, thu nhập thực nhận của tài xế giảm 1,5% còn thu nhập thực nhận của Grab sẽ tăng hơn 6%. Như vậy, việc tăng tỷ lệ khấu trừ và tăng giá đã chuyển nghĩa vụ với cơ quan thuế sang khách hàng và tài xế.

– Với các tài xế chạy dưới 100 triệu đồng mỗi năm

 
Trước 5/12, tài xế doanh thu dưới 100 triệu mỗi năm không phải đóng 3% VAT nên sau mỗi cuốc xe, họ chỉ phải gửi về Grab phần khấu trừ theo tỷ lệ ăn chia 80-20. Nay, doanh thu sau cuốc xe của họ bị giảm 10%, phần này để Grab kê khai, nộp VAT.

Thay đổi trong trường hợp này là khi giá cước tăng 5% (gồm VAT), thu nhập thực nhận của tài xế giảm 4,5% còn thu nhập thực nhận của Grab vẫn tăng hơn 6%.

Như vậy, cũng giống như trường hợp tài xế chạy trên 100 triệu đồng mỗi năm, phần tăng nghĩa vụ thuế được chuyển sang phía khách hàng và tài xế. Thậm chí, tài xế trường hợp doanh thu dưới 100 triệu còn thiệt thòi nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện Grab không tiết lộ tỷ lệ nhóm tài xế có doanh thu dưới 100 triệu mỗi năm.

Trước đó, lý lẽ của Grab khi tăng giá cước là nhằm bù VAT và đảm bảo thu nhập cho tài xế. Nế không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế theo họ tính toán sẽ giảm khoảng 7% một năm. Grab cũng cho rằng, cước phí mới vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, chưa kể cũng để tái đầu tư vào các sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, quyết định tăng giá và tăng chiết khấu không nhận được sự ủng hộ của các tài xế. Hàng trăm tài xế GrabBike đã tắt ứng dụng từ sáng đến chiều 7/12 để phản đối.

Sáng nay, Grab đối thoại với các tài xế tại TP HCM và Hà Nội để giải quyết những bất đồng. Chiều 9/12, Grab đã cùng làm việc với cơ quan thuế nhưng hai bên chưa đạt đồng thuận.

Minh Sơn – Quỳnh Trang/ VNE

Đọc nhiều