Ai thích cứ kiện, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản phát ngôn gây sốc
Danh tiếng của vị đại gia ‘điếu cày’ vừa bị khởi tố – Lê Thanh Thản không chỉ đến từ những dự án nhà ở thương mại giá rẻ mà còn nằm ở những phát ngôn gây xôn xao dư luận.
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh – Lê Thanh Thản, người từng được mệnh danh là người tiên phong trong phân khúc chung cư thương mại giá rẻ nhất thị trường Hà Nội. Ông từng khiến dư luận xôn xao khi nêu lên triết lý kinh doanh “thà bán rẻ còn hơn chết”.
Tuy nhiên đó chỉ là một trong hàng loạt những phát ngôn gây sốc của vị đại gia “thích đi Rolls Royce và hút thuốc lào” trước khi bị khởi tố vì tội danh “Lừa dối khách hàng”.
“Thà bán rẻ còn hơn chết”
Năm 2011, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh đã làm thị trường bất động sản Hà Nội dậy sóng khi tuyên bố giá bán chung cư rẻ đến khó tin: 10 triệu đồng/m2. Mức giá này vào thời điểm trên còn rẻ hơn cả nhà ở xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thản giải thích: “Khi ít vốn và cả khi đã trường vốn, nên áp dụng sách lược mua rẻ để bán rẻ, hoặc kinh doanh lâu dài”, chính sách giá rẻ luôn là một “chiêu” bán hàng hay nhất”.
Tại thị trường Hà Nội, chủ tịch Mường Thanh đã cho ra mắt rất nhiều dự án giá rẻ tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Tính đến thời điểm này, các dự án nhà giá rẻ của ông Thản cung ứng ra thị trường lên tới hàng chục nghìn căn hộ, số lượng người dân chuyển vào vô cùng lớn.
Với phương châm kinh doanh “thà bán rẻ còn hơn chết”, hầu hết các dự án của ông Thản đều khá thành công khi đánh trúng vào phân khúc nhà thương mại trung bình, giá rẻ. Nhờ đó, nhiều người dân sống tại thủ đô, mặc dù có mức thu nhập thấp nhưng vẫn có thể mua được nhà ở.
“Ai bán dự án, tôi mua”
Tương đồng với châm ngôn kinh doanh “mua rẻ, bán rẻ”, vị đại gia “điếu cày” cũng từng tuyên bố sẽ mua bất kỳ dự án nào được rao bán. Đúng như lời nói, doanh nghiệp của ông Thản khi đặt chân vào Hà Nội đã mua nhiều đất dự án tại các khu Định Công, Linh Đàm, Xa La,… để phát triển các dự án.
Ông Thản chia sẻ: “Doanh nghiệp nào có đất sạch, vị trí thuận lợi một chút, đã có đầy đủ thủ tục triển khai dự án mà không thực hiện được chúng tôi sẵn sàng mua. Tất nhiên, những dự án như vậy phải có giá rẻ hoặc chủ đầu tư chịu cắt lỗ, chúng tôi mới mua”.
“Chạy chuyển đổi sang nhà xã hội có khi còn cao hơn là nhận được ưu đãi”
Trả lời truyền thông vào năm 2013, ông Lê Thanh Thản cho hay doanh nghiệp của ông không có ý định vay vốn ưu đãi của Chính phủ, cũng như không có ý định chuyển các dự án sang diện nhà ở xã hội để được nhận ưu đãi.
“Chúng tôi làm làm từ vốn tự có của công ty, làm thật, việc thật. Chúng tôi bán với giá đó, là do chúng tôi cắt giảm được hàng loạt khâu trong quá trình thi công dự án. Nói thật, chi phí để “chạy” chuyển đổi sang nhà xã hội có khi còn cao hơn là nhận được ưu đãi, nên chúng tôi không làm”, ông Thản nói.
“Không thể cấm cò mồi”
Năm 2014, nhiều khách hàng khi mua căn hộ tại dự án VP5 Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều người đã phải trả tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng.
Giá gốc tại thời điểm mở bán vào khoảng 14 – 15.5 triệu đồng/m2. Thế nhưng, để mua được căn hộ tại những dự án này, khách mua phải trả thêm vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu cho người mua “lướt sóng” trước đó hoặc thông qua “cò – môi giới”.
Trả lời câu hỏi về việc khách hàng phải trả tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng khi mua căn hộ tại dự án này. Ông Thản cho hay, mỗi doanh nghiệp đều có một cách bán hàng riêng, miễn sao không vi phạm pháp luật. Còn chuyện “cò mồi, môi giới” ở ngoài thị trường, doanh nghiệp này “không kiểm soát và cũng không thể cấm họ làm chuyện đó”.
“Việc rao bán từ tầng thứ 40 trở đi là việc của các sàn, người mua phải tìm hiểu kỹ”
Đây là phát ngôn của ông Lê Thanh Thản khi trả lời truyền thông, trước sự hoang mang của nhiều khách hàng khi đến tìm hiều thông tin, mua nhà tại sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh về Dự án Kim Văn – Kim Lũ, hay còn gọi là Golden Silk.
Theo đó, dự án Kim Văn – Kim Lũ, nằm ở đường Nguyễn Xiển, Hoàng Mai, Hà Nội, tung ra gần 600 căn hộ với giá dao động từ 10 – 14,5 triệu đồng/m2. Dự án được rao bán từ tầng 2 đến tầng 40, thậm chí còn được rao lên đến tầng 42, nhưng tòa nhà CT11 chỉ được duyệt thiết kế 38 tầng.
Lê Thanh Thản khẳng định tòa nhà CT11 chỉ có 39 tầng và cho biết, việc rao bán từ tầng thứ 40 trở đi là việc của các sàn khác. Người mua phải tìm hiểu kỹ.
“Ai thích thì cứ đi kiện”
Đây là phát ngôn của ông Lê Thanh Thản sau khi hơn 200 khách hàng mua căn hộ CT6 Tổ hợp chung cư và Thương mại Bemes (Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) phản ánh chủ đầu tư tính sai diện tích căn hộ.
Những người dân ở phản ánh về việc chủ đầu tư cố tình tính sai diện tích căn hộ. Theo hợp đồng mua bán thì chủ đầu tư này tính diện tích căn hộ theo phủ bì tường bao ngoài của căn hộ.
Ngoài ra trong cùng một chung cư lại có hai kiểu hợp đồng mua bán có cách tính diện tích khác nhau. Cụ thể, hơn 1000 căn hộ có hợp đồng mua bán với cách tính diện tích theo tim tường chung và tim tường bao ngoài của căn hộ (hành lang, lối đi, mặt ngoài của căn hộ) và hợp đồng của hơn 200 hộ khác lại ghi tính theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ.
Giải thích việc này ông Thản cho rằng đây là do sai sót trong khâu đánh máy “còn việc người dân kiện thì cứ kiện”.
“Tôi chả hiểu gì cả”
Ông Thản đã nói rằng “tôi chả hiểu gì cả” trước thông tin cho rằng do các sai phạm ở nhiều dự án, công an TP. Hà Nội đang chờ ý kiến của Bộ Công an để khởi tố sai phạm tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch. Đây cũng không phải lần đầu tiên vị đại gia điếu cày này có những phát ngôn gây “sốc” như vậy.
Cụ thể, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, vi phạm về trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm và cả năm 2016, thanh tra Thành phố đã chuyển Công an TP điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của 1 số đơn vị, trong đó điển hình là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của ông Lê Thanh Thản.
(Theo Báo Mới)