Ái Sa, Ái Thảo, Ngọc Thêm, tên nào là thật của nữ trưởng phòng tại Tỉnh ủy Đắk Lắk?

09/10/2019 13:00

Theo bản tường trình, bà Ái Sa giả tên thật là Thêm, không phải là Thảo. Tuy nhiên, quá trình xác minh, lực lượng chức năng xác định, bà Thêm, bà Thảo, bà Ái Sa đều là một người.

Bà Thảo đã có đơn xin nghỉ việc đề chờ cơ quan chức năng xử lý

Ngày 9/10, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã xác minh và khẳng định nữ Trưởng phòng Quản trị (thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Ái Thảo (SN 1975, quê Lâm Đồng).

Ngoài ra, bà Thảo còn có tên khác, thường sử dụng hồi nhỏ là Trần Thị Ngọc Thêm. Qua đó xác định, bà Ái Sa (giả), bà Thêm, bà Thảo đều là một người.

Liên quan đến quy trình xác minh lý lịch kết nạp Đảng đối với bà Thảo, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, trong hồ sơ sinh hoạt Đảng, bà Thảo khai gia đình có 11 anh chị em và không khai tên của mình.

Ngoài ra, bà Thảo khai, có chị gái Trần Thị Ngọc Ánh là Đảng viên, công tác tại một trường mầm non trên địa bàn phường 4 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Do đó, quá trình xác minh lý lịch, chi bộ phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã xác minh qua chi bộ của chị Ngọc Ánh. Sau đó, chi bộ trường mầm non – nơi chị Ngọc Ánh công tác và Đảng ủy phường 4 (TP Đà Lạt) xác nhận, chị Ngọc Ánh là đảng viên.

Tuy nhiên, chi bộ phòng Quản trị (Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã sơ suất, không đến Đảng ủy, nơi bố mẹ bà Thảo sinh sống để xác minh mới dẫn đến thiếu sót.

Bản tường trình của bà Ái Sa ( tên thật) về những lùm xùm xoay quanh em gái mình

Như Infonet đã đưa tin trước đó, ngày 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa-Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái mình trong quá trình công tác.

Theo đó, nữ trưởng phòng này tên thật là Trần Thị Ngọc Ái Thảo (SN 1975, quê Lâm Đồng). Năm 2009, bà Thảo (tức Ái Sa) được luân chuyển về làm kế toán tại Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến năm 2016 được bổ nhiệm Trưởng phòng Quản trị tại Tỉnh ủy Đắk Lắk. Hiện tại, bà Thảo thừa nhận đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái để làm việc, công tác và có đơn xin nghỉ việc để chờ cơ quan chức năng xử lý.

Đến ngày 8/10, một lãnh đạo tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Lâm Đồng xác nhận, đơn vị đã mời bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973 tên thật), nhân viên Khoa Sản, tại BVĐK Lâm Đồng viết tường trình về việc cho em gái mượn bằng cấp 3 để học hành, làm việc tại Tỉnh ủy Đắk Lắk. Qua tường trình, bà Ái Sa khẳng định, mình không cho em gái mượn bằng cấp.

Trần Nhân/ Infonet

Tags :
Đọc nhiều