130115
topics
420116

Ai mới là kẻ “mất dạy”?

Hạnh Văn 14/08/2020 15:55

Trong suốt hai tuần qua, nước ta một lần nữa lại phải đối chọi với mối hiểm họa bùng phát trở lại dịch bệnh Covid-19 vốn vẫn đang hoành hành khắp thế giới. Khác với lần trước, đợt dịch thứ hai của Việt Nam có những biến chuyển phức tạp, nguy cơ lây lan lớn, và điều đáng tiếc rằng “tâm dịch” lần này lại nằm ở một thành phố lớn như Đà Nẵng. Dù vậy, người dân và cả chính quyền thành phố đang dốc hết sức mình để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Ngày 12/8 vừa qua, các chợ Đà Nẵng đã đồng loạt triển khai biện pháp sử dụng tem phiếu đi chợ, với quy định mỗi hộ gia đình được 5 phiếu mỗi tuần, và giãn cách đi chợ 3 ngày/lần, một phần trong các biện pháp được áp dụng nhằm giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân thành phố.

Thành phố Đà Nẵng áp dụng biện tem phiếu đi chợ.

Thiết thực là vậy, lại có những bộ phận tìm cách “lên án”, chửi bới chính quyền Đà Nẵng và những biện pháp phòng dịch của thành phố. Kẻ “to tiếng” nhất, trong sự việc lần này, không ai khác lại chính là đối tượng Phạm Minh Vũ. Y đưa “lý lẽ” việc phát tem phiếu là “bất hợp lý”, vì “ngoài những người có điều kiện mua nhà cửa ra, có nhiều người sinh viên, lao động có thu nhập thấp họ đang chật vật trong căn phòng trọ thiếu thốn đủ thứ, tiền kiếm tiêu ăn hàng ngày không đủ, thì làm sao mua tủ lạnh để bảo quản ngày này sang ngày khác”. Thật khôi hài khi cho rằng “chỉ có người giàu mới mua được tủ lạnh”, dường như Vũ đang sống trong thời bao cấp của 40 năm về trước. Hơn nữa, Đà Nẵng là một thành phố lớn, điều kiện kinh tế của người dân nhìn chung không quá khó khăn, việc sắm cho mình một chiếc tủ lạnh không phải là ngoài tầm tay. Nhưng quan trọng hơn hết, ngay cả khi điều kiện không cho phép một người dân trang bị tủ lạnh, thì thị trường hoàn toàn không thiếu những thực phẩm không cần trữ lạnh như trứng, đồ hộp, xúc xích, thịt nguội, và các loại rau củ, và gạo – nguồn lương thực chính của người Á Đông – lại càng không cần tủ lạnh. Cái tệ hại ở chỗ, Vũ than vãn trong bài viết của mình rằng “tôi có nhiều đứa em đang học hay đi làm ở Đà nẵng, kẹt lại nửa tháng qua ăn mì tôm và ăn cá khô, vì không có tủ lạnh làm sao bảo quản được.” Vậy thì chí ít, họ cũng đã có cái để ăn trong những ngày tháng bị cách ly, chứ chưa đến mức cạn kiệt lương thực như thành phố Vũ Hán mà y đang lấy làm “thước đo” mà so sánh với Đà Nẵng.

Xin thưa, hoàn cảnh ăn mì tôm với cá khô, không chỉ có “mấy người em bị kẹt” của Vũ. Nếu ai từng mục thị cảnh tượng những sinh viên nghèo xa gia đình đến bến xe nhận hàng tá thùng mì tôm từ quê nhà gửi lên làm thực phẩm cho không phải là hai tuần cách ly như vừa qua, mà là cho hàng tháng, thậm chí hàng năm trời học hành chốn thành thị, mới thấy nỗi vất vả của những người con xa quê hương. Mì tôm có thể nói là “người bạn đồng hành” của không ít sinh viên nghèo vượt khó, một “dấu ấn khó quên” của quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học. Vậy hỏi rằng, những sinh viên ấy có chết đói vì ăn mì tôm hay không? Hay họ đã vượt qua nghịch cảnh – với “hành trang” là hàng tá thùng mì tôm – mà không như Vũ, đã trở thành những người có ích cho xã hội? Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của những người em làm bình phong để bêu rếu, bôi nhọ xã hội, chỉ có thể gọi là việc làm hèn hạ.

Mì tôm, “bạn đồng hành” của những sinh viên xa nhà.
Không chỉ sinh viên học xa nhà, du học sinh cũng là “khách hàng thân thiết” của các hãng mì gói.

Một kẻ không sống tại Đà Nẵng đòi đi chợ là phải mua được thịt bò, cá tươi, còn người dân Đà Nẵng, cái họ quan tâm nhất bây giờ, là đảm bảo sự an toàn cho không chỉ gia đình, mà cho cả cộng đồng. Người có tủ lạnh thì mua thịt, cá, người không có thì ăn thịt, cá một ngày, hai ngày ăn đồ hộp với trứng chiên, đã là đủ, chưa thấy ai than vãn không có tủ lạnh. Chỉ có những kẻ đứng ngoài chửi đổng như Vũ mới quan tâm đến chuyện “có tủ lạnh hay không”.

Lại nói về phiếu đi chợ, trong ngày đầu tiên áp dụng, có nhiều người hỏi rằng “phát phiếu mà không phát tiền thì làm sao đi chợ?”, âu cũng chỉ là một cách tếu lâm để giải tỏa căng thẳng trong nghịch cảnh. Người dân Đà Nẵng có hỏi, cũng chỉ là nói vui lấy tiếng cười. Tuy có lúc quá đà, cũng chỉ giới hạn trong lời nói, Đài truyền hình Đà Nẵng, có lên tiếng, cũng chỉ nói rằng “mọi người hơi quá trớn”, mục đích cũng chỉ là nhắc nhở mọi người hãy chung tay vì cộng đồng, chứ chưa thấy giọng điệu nào gọi là “to tiếng mắng dân”. Vậy mà, các đối tượng đã vịn ngay lời nói đó để làm cái cớ công kích. Người dân Đà Nẵng có bất mãn hay không, thì hãy nhìn vào thực tế những gì đã diễn ra tại đây. Tất cả mọi người đều chấp hành quy định, những người có lỡ quên đem theo không được vào chợ cũng chỉ năn nỉ đôi câu rồi quay về nhà lấy phiếu. Tuyệt nhiên không có một cuộc bạo động, biểu tình với cái cớ “nhân quyền” như ở phương trời tây mà Vũ đang thần tượng, chưa có ai than vãn “tôi không thở được” mà không đeo khẩu trang. Nếu cho rằng giãn cách đi chợ là “bất hợp lý”, vậy y có đề xuất được ý kiến nào thiết thực hơn để giải quyết vấn đề giãn cách xã hội hay không, hay chỉ đang tìm một cái cớ để chửi bới cho sướng mồm?

Trong bài viết lố bịch của mình, Phạm Minh Vũ tung hê chính quyền phương Tây như một “chuẩn mực” chăm lo cho dân trong đại dịch. Nhưng sự thật thì sao? Theo số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ), số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt qua ngưỡng 20 triệu người, mà một phần tư trong số đó thuộc về xứ sở cờ hoa. Hơn năm triệu ca nhiễm bệnh, hơn 160.000 người tử vong, những thành phần “sút ốc” trong xã hội rầm rộ biểu tình chặn xe cứu thương, “đấu tranh” để “được” không đeo khẩu trang vì “không thở được”, phá trạm phát sóng vì thuyết âm mưu “5G lây Covid”, đó là thực trạng ngay lúc này khiến cả hệ thống chính phủ Mỹ phải đau đầu. Nhìn vào sự hỗn loạn trong công tác phòng chống dịch mà ngay chính các quan chức Mỹ cũng đang lên án, mới thấy những nỗ lực và thành quả của Việt Nam đáng quý đến nhường nào. Những người đang cố gắng hết mình vì sự an nguy của xã hội, lại bị chửi là “mất dạy”, “vô nhân tính”, vậy theo y, đâu mới là nhân tính?

Mặc cho dịch bệnh bùng phát, biểu tình Anti-mask (chống khẩu trang) vẫn tràn lan.
Lời kêu gọi đốt phá trạm phát sóng của những “học giả thuyết âm mưu” vì “5G phát tán Covid-19”.

Dân gian có câu, ‘nếu không làm được gì tốt đẹp thì hãy im lặng’. Mong những người không trực tiếp đứng trong hoàn cảnh của người dân và chính quyền thành phố Đà Nẵng, nếu không thể làm điều thiết thực, đừng nói những lời độc hại như Phạm Minh Vũ.

HẠNH VĂN

Đọc nhiều