128036
category
598073

Ai là đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng?

26/03/2022 15:41

CQĐT sẽ làm rõ hành vi của từng người, làm rõ vai trò, nhận thức, ý thức chủ quan của từng người để xác định ai là đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.

Bà Nguyễn Phương Hằng cùng khách mời livestream ngày 22.3.2022

Câu hỏi đặt ra bà Nguyễn Phương Hằng có đồng phạm không và những ai có thể bị coi là đồng phạm của nữ doanh nhân này?

Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 1, TGĐ Công ty CP Đại Nam, trụ sở tại Bình Dương) vừa bị khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Cách xác định đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng
Bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: CTV

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân không chỉ do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện, mà đằng sau đó còn cả đội ngũ tư vấn, hỗ trợ và tham gia cùng trên mạng xã hội.

Bởi vậy, ngoài việc xử lý với bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác.

Theo luật sư, trong vụ án này, CQĐT sẽ làm rõ từng buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, hoạt động thu thập thông tin trái phép, đưa tiền trái phép, những ngôn ngữ, hành động mà cả ekip đã thực hiện trên mạng xã hội suốt thời gian qua; đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, với Nhà nước, với các tổ chức cá nhân để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án.

“Rất có thể CQĐT sẽ khởi tố đối với nhiều bị can và về nhiều tội danh khác nhau”, luật sư cho hay.

Ai sẽ bị coi là đồng phạm?

Tiến sỹ Đặng Văn Cường phân tích, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Hành vi vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó, người nào vi phạm và xúi giục kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị xác định là người chủ mưu cầm đầu.

Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm.

Cách xác định đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ thực hiện trên không gian mạng không chỉ có một người thực hiện mà có cả ekip cùng tham gia.

Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ hành vi của từng người, làm rõ vai trò, nhận thức, ý thức chủ quan của từng người để xác định những người có tham gia livestream cùng bà Hằng có vi phạm pháp luật hay không.

Nếu có căn cứ cho thấy, ngoài bà Nguyễn Phương Hằng, còn có người khác cùng ý chí thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, lúc này, những người đó sẽ đóng vai trò đồng phạm.

Theo quy định của pháp luật, đồng phạm phải là từ hai người trở lên, có cùng ý chí thực hiện một tội phạm. Đồng phạm có thể là người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục.

Người chủ mưu là người lên kế hoạch, quyết định việc thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có những lời lẽ, ngôn ngữ xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

Người xúi giục là người có sự tác động về mặt tinh thần, xúi giục người thực hiện hành vi phạm tội quyết tâm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người giúp sức là người tạo những điều kiện về vật chất, tinh thần cho người khác để thực hiện hành vi phạm tội…

Quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội của bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ có một mình nữ doanh nhân này tham gia mà còn có những người khác chuẩn bị nội dung, thu thập thông tin, chuẩn bị công cụ phương tiện, thậm chí có những người cùng tham gia tán thưởng, cùng bà Hằng công kích, chửi bới, xúc phạm người khác.

Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ mục đích, vai trò, nhận thức và hành vi của những người này.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, những người này đã có hành vi xúi giục, giúp sức, hoặc cùng bà Nguyễn Phương Hằng trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, những người này cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Khi đã xác định được hành vi phạm tội, CQĐT sẽ xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội có người nào xúi giục, giúp sức bị can thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hay không để giải quyết triệt để vụ án theo quy định của pháp luật.

Trong các buổi livestream, trò chuyện và gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng do bà Hằng tổ chức, bà Hằng luôn mời một số khách mời tham gia để “phụ họa” khi xúc phạm một số cá nhân. Bên cạnh đó, còn có một lực lượng “hùng hậu” từ cố vấn, trợ lý, thư ký và các các YouTuber tự xưng “phe chính nghĩa” tổ chức buổi livestream, kêu gọi chia sẻ nhằm cổ súy cho hành vi của bà Hằng.

Điển hình gần nhất là buổi livestream ngày 22.3.2022, khách mời cùng bà Nguyễn Phương Hằng livestream là ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, được bà Hằng mời làm cố vấn pháp lý), 2 YouTuber Jimmy Huynh và Anh Nông Dân. Ba khách mời này cũng thường xuyên có mặt trong các buổi livestream khác của bà Hằng. Đồng thời rất nhiều YouTuber tự xưng “phe chính nghĩa”, Fan của bà Nguyễn Phương Hằng cũng livestream phụ họa, tiếp tục xúc phạm cá nhân bị bà Hằng nhắc tên trước đó.

Bình luận thông tin không đúng sự thật

Bên cạnh những ê kíp cùng bà Nguyễn Phương Hằng “tổ chức”, thực hiện livestream, còn rất nhiều cá nhân đã chia sẻ, bình luận trên nền thông tin bà Hằng livestream, nhằm xúc phạm những cá nhân, tổ chức khác.

Theo LS Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM), điều 8 luật An ninh mạng quy định “Thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội” là các hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, nếu người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử lý hành chính, LS Cường cho hay, tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng, chia sẻ tin giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân (tổ chức bị xử phạt gấp đôi so với cá nhân vi phạm – PV), căn cứ điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người tung tin giả, xuyên tạc bị xử lý về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại điều 288 bộ luật Hình sự 2015 – sửa đổi bổ sung năm 2017 (khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 30 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 7 năm); hoặc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”…

“Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền lợi muốn yêu cầu bồi thường thì nộp đơn khởi kiện ra tòa”, LS Trần Minh Cường nêu.

Minh Ngọc

Đọc nhiều