Việt Tân nếu rêu rao chuyện “bị ép bầu cử” thì hãy chỉ ra nơi nào, ở đâu và ai làm

Hải Anh 26/05/2021 18:21

Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra suôn sẻ và thành công, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, những phần tử và tổ chức vẫn đang ra sức ngày đêm tìm cách chống đối, phá hoại ngày bầu cử của đất nước. Chúng cho rằng việc vận động bầu cử là hèn, ép buộc.

"Câu chuyện người dân kể" được Việt Tân rêu rao để xuyên tạc bầu cử.
“Câu chuyện người dân kể” được Việt Tân rêu rao để xuyên tạc bầu cử.

Vừa qua, trang mạng chống phá Việt Tân đã đăng bài của từ Facebook “Dân Nông” xuyên tạc việc vận động bầu cử là “hèn, ép buộc”. Mượn câu chuyện mà Việt Tân cho là “của một người dân kể” không đi bầu cử là “bị nó hành cho ra bả”, từ một cô mặc áo dài vào nhà vận động tôi đi bầu cử, một ông chú đứng tuổi vào nhà tiếp tục vận động…. và kết luận với lời rêu rao rằng: “Tất cả chỉ là những lời nói sáo rỗng dùng để mị dân, quyền cái con mẹ gì chứ. Dùng bấy nhiêu đó trò chỉ để ép buộc dân bỏ cho một lá phiếu.”

Nhưng xin thưa, vận động bầu cử là hoàn toàn bình thường tại mọi quốc gia. Đây là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc của người ứng cử với cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu. Ở đó họ sẽ trình bày chương trình hành động dễ hiểu, lắng nghe ý kiến cử tri, chỉ hứa những gì trong thẩm quyền của mình nếu được bầu. Như vậy có gì là hèn, là ép buộc? Việc lựa chọn bầu ai là quyền của mỗi công dân mà pháp luật đã quy định.

Có thể khẳng định, việc tham gia bầu cử trước hết là quyền lợi của mỗi người dân. Để có quyền bầu cử, nhiều thế hệ cha ông ta đã phải đổ xương máu nơi chiến trường. Vì vậy, việc không tham gia bầu cử trước hết là tự bỏ qua quyền công dân của chính mình. Nhà nước không hề bắt buộc mọi công dân phải đi bầu cử, không có chuyện “vì Đảng, Nhà nước ép buộc người dân phải đi bầu cử nên tỷ lệ cử tri bỏ phiếu mới cao” như luận điệu được các đối tượng xấu đang tung ra. Việc tỷ lệ lớn cử tri đi bầu cử thể hiện rõ sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng đất nước.

Chính vì vậy lu loa luận điệu rằng người dân Việt Nam đi bầu cử với tỷ lệ cao là do bị Đảng, Nhà nước “bắt ép” là những giọng điệu hàm hồ, dối trá, lộng ngôn, vô căn cứ. Hiện tại, kết quả bầu cử vẫn chưa được công bố nhưng phải khẳng định rằng việc bỏ phiếu là hoàn toàn tự do, dựa trên ý trí của cử tri, không một ai có thể thay đổi kết quả, cưỡng ép cử tri phải gạch người này, bỏ người kia.

Trên thực tế đã khẳng định hoạt động vận động bầu cử qua Hội nghị tiếp xúc cử tri được các địa phương tổ chức chặt chẽ, dân chủ, bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên. Đối với việc vận động thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng vậy. Tất cả các ứng cử viên ĐBQH đều được trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình, được trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng BCQG. Việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật.

Quyền vận động bầu cử của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử đã được đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng pháp luật. Các ứng cử viên là người do Trung ương hay địa phương giới thiệu, là Đảng viên hay người ngoài Đảng, được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử, cũng đều bình đẳng. Luận điệu cho rằng “tranh cử không công bằng”; “bộ máy truyền thông” của Đảng, Nhà nước chỉ tập trung “tuyên truyền cho các ứng viên nằm trong tay Đảng” là hoàn toàn bịa đặt.

heo báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết đến 22h ngày 23/5 thì tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu đạt khoảng 98,43%. Kết quả đó đã khẳng định ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện trọng đại, là một ngày hội của toàn dân. Đó thực sự là một ngày mà mỗi người dân Việt Nam/ mỗi công dân Việt Nam được thụ hưởng giá trị hiện thực của độc lập, tự do, được hưởng quyền dân chủ và sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng.

Cả hệ thống đã nỗ lực để có một ngày bầu cử an toàn, còn 67 triệu cử tri đã hoàn thành trách nhiệm đi bỏ phiếu của mình. Nhiệm vụ còn lại của các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong 5 năm tới, là phải nỗ lực hết mình, đóng góp hết mình vào cơ quan dân cử phụng sự lợi ích của tổ quốc và nhân dân, xứng đáng với từng lá phiếu của nhân dân.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều