AI đang thay đổi cuộc sống của người Việt như thế nào?
Sự phát triển không ngừng của công nghệ trong nước đưa AI (trí tuệ nhân tạo) len lỏi vào cuộc sống thường nhật của người Việt.
Cuộc sống hiện đại, mỗi người thường dành nhiều thời gian nhất cho 3 nơi: Ngôi nhà, công sở và ngoài đường phố. Việc lái xe di chuyển trên đường đôi khi chiếm khá nhiều quỹ thời gian, có thể vì khoảng cách hay tắc đường. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông minh như AI, việc di chuyển trở thành khoảng thời gian để nghỉ ngơi hay nạp lại năng lượng, thậm chí tranh thủ làm việc.
Cuộc sống thông minh và tiện lợi Trên đoạn đường đông đúc giờ tan tầm, Phạm Phương Duy (quận 7, TP.HCM) đánh lái sang phải trong lúc nói “Tìm đường tới cầu Calmette”. Ngay sau đó, một chất giọng nữ dịu dàng cất lên: Đang chỉ đường đến cầu Calmette. Bản đồ lập tức được mở tự động, dẫn anh đến nơi yêu cầu.
“Tôi hoàn toàn tập trung lái xe, các việc khác đều để Kiki làm. Kiki luôn chỉ cho tôi đoạn đường đi ngắn nhất”, anh Duy cho biết.
Gần một năm qua, trợ lý giọng nói Kiki đã đồng hành cùng anh Duy trên chiếc xe hơi quen thuộc. Không chỉ anh Duy, hàng triệu người trên khắp cả nước cũng đang nhờ sự trợ giúp của Kiki trong cuộc sống thường nhật.
Là một người thường xuyên lái xe, anh Trần Gia Phong (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Giọng của Kiki rất chuẩn, không chỉ dễ nghe mà còn thân thiện, dễ mến, tưởng như có một người thật đang phản hồi chứ không phải máy móc”.
Anh Gia Phong cho biết, Kiki khiến con gái 10 tuổi của anh rất thích giúp đỡ bố. Mỗi khi ngồi ghế trước với bố là con lại gọi trợ lý giọng nói mở nhạc, chỉ đường. Khoảng thời gian di chuyển khá dài mỗi ngày vì thế cũng trở nên ngắn và vui vẻ hơn khi hai bố con có thể trò chuyện nhiều.
Trước đó, như nhiều người dùng khác, dù đánh giá cao việc điều khiển các tác vụ bằng giọng nói trên xe hơi, nhưng anh Phong chưa tìm được trợ lý mang đến sự thuận tiện như mong muốn. Hầu hết trợ lý giọng nói có nguồn gốc ngoại nhập không hiểu tiếng Việt hoặc thiếu lợi thế về nguồn nội dung bản địa. Không phải ai cũng có thể dùng tiếng Anh để giao tiếp với trợ lý giọng nói. Khi trợ lý tiếng Việt Kiki đời, người dùng xe hơi được trải nghiệm các tác vụ thông minh trên xe một cách thoải mái và tiện lợi.
Hành trình lái xe an toàn hơn Ra mắt vào cuối năm 2020, trợ lý giọng nói Kiki do kỹ sư Zalo AI phát triển ban đầu chỉ hỗ trợ trên các dòng xe sang có sẵn màn hình và kết nối với ứng dụng Zing MP3 qua Apple Carplay hay Android Auto. Khoảng giữa năm 2021, người dùng các dòng xe đời cũ đón nhận tin vui khi Kiki được 2 hãng màn hình thông minh chiếm lĩnh thị trường là Gotech và Zestech tích hợp trên tất sản phẩm. Việc cài đặt, sử dụng Kiki ngày càng dễ dàng hơn khi người dùng xe đời cũ chỉ cần mua chiếc màn hình lắp vào là có thể thực hiện nhiều tác vụ thông minh vốn được xem là đặc quyền ở dòng sản phẩm cao cấp.
Kiki xuất hiện trên xe đã rút ngắn rào cản về ngôn ngữ, thay đổi thói quen của người dùng bản địa. Từ việc phải dùng từng thao tác chạm vuốt trên điện thoại hay màn hình ôtô để điều khiển tác vụ, người lái xe hiện chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói cho Kiki.
“Giờ lên xe tôi hầu như không chạm tay vào điện thoại hay màn hình nữa. Dùng nhiều thành quen, tôi chỉ bấm nút micro trên vô lăng rồi đọc câu lệnh cho Kiki mở bản đồ, mở nhạc, tìm thông tin”, chị Phạm Kim Anh (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết.
Cung cấp nguồn nội dung giải trí phong phú từ ứng dụng nghe nhạc Zing MP3, người dùng có thể yêu cầu Kiki mở nhạc theo tên bài hát, ca sĩ, album, lời bài hát… bằng giọng nói. Ngoài ra, người cầm vô lăng còn có thể ra lệnh cho trợ lý này đọc tin tức, mở camera, điều khiển điều hòa, tra cứu thông tin mới nhất…
Vào cuối năm 2021, việc phát triển thêm app Kiki Auto của Zalo AI đã giúp các màn hình android phổ biến trên thị trường có thể tự do tải và sử dụng Kiki. Ngoài ra, thông qua kết nối Bluetooth, các dòng xe đời cũ (không có màn hình), qua nút bấm double next cũng có thể thực hiện câu lệnh với Kiki.
Len lỏi vào cuộc sống thường nhật Trong ngôi nhà nhỏ giản dị, bà Phạm Thị Ngọc Xuân – giáo viên về hưu (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) mở nhạc bolero trong lúc trông chừng cửa hàng tạp hóa. Chỉ tay vào màn hình, bà nói “bấm vào nút này rồi nói là mở được nhạc, nhạc gì cũng được hết”. Bà Xuân cho biết khá hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, mọi thứ đều bình dị nhưng thoải mái và quan trọng là luôn được các con quan tâm.
Biết nhiều lúc cả nhà đi làm, mẹ muốn tìm người mở nhạc, chuyển bài hát phải nhờ hàng xóm bất tiện, con trai bà Xuân hướng dẫn mẹ cách tìm nhạc với giọng nói. Nhờ vậy, bà Xuân hiện muốn mở bài hát nào, tìm tên nghệ sĩ, dòng nhạc yêu thích đều tự làm được.
Trước đây, người dùng thường nghĩ việc điều khiển máy móc qua giọng nói chỉ xuất hiện trong phim và AI là công nghệ khá xa lạ, chưa đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, ngày nay, một em bé hay cụ già ở bất cứ đâu tại Việt Nam cũng có thể dùng trí tuệ nhân tạo một cách dễ dàng.
Đây là lợi thế thu hút người dùng gắn bó với ứng dụng, đặc biệt là người dùng trẻ tuổi yêu thích sự hiện đại, đón đầu xu hướng. Với người lớn tuổi và trẻ em đọc chữ khó khăn, thiếu kiến thức công nghệ, Kiki hỗ trợ nhiều cho việc sử dụng, điều khiển tác vụ trên app.
Sự xuất hiện của Kiki là minh chứng cho thấy AI đang âm thầm len lỏi trong đời sống người Việt, giúp những hoạt động thường ngày trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Sự đa dạng trong cách tiếp cận, từ việc xuất hiện trên các màn hình ôtô thông minh, ứng dụng Zing MP3, phát triển app riêng cho màn hình android… phần nào giúp Kiki nhanh chóng phổ biến hơn trong cuộc sống. Nhiều người dùng kỳ vọng thời gian tới, Kiki có thể tích hợp trực tiếp trên xe hơi và các thiết bị nhà thông minh như tivi, loa…
Giang Tiểu San