8
category
536196

Ai cũng “sướng” khi đi làm hộ khẩu, tạm trú theo Luật cư trú mới

26/07/2021 10:31

Từ 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức được triển khai và trong những ngày đầu thực hiện đã tạo được sự thuận tiện, giảm thời gian, công sức cho người dân và chính quyền. Tuy nhiên vẫn ghi nhận một số bất cập cần phải khắc phục kịp thời.

Nhanh chóng, thuận tiện

Những ngày đầu tháng 7, trụ sở Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) số lượng người dân đến làm các thủ tục hành chính đông hơn so với bình thường, “đập” vào mắt là thông báo liên quan đến thời gian giải quyết các thủ tục, lịch tiếp công dân về đăng ký cư trú có nội dung “…nhận hồ sơ từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, thời gian nhận và trả hồ sơ…”.

Ngay từ sáng sớm người dân đã có mặt, ngồi chờ tại sảnh và khu vực phòng tiếp dân đăng ký cư trú. Chị Đinh Thị Lan, công dân phường Láng Thượng cho biết, chị đến trụ sở Công an phường để giải quyết một số thủ tục liên quan tới cư trú.

Đi làm hộ khẩu, tạm trú khi Luật Cư trú mới đi vào "lòng dân" ở Hà Nội - Ảnh 1.
Phòng tiếp dân được Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) nâng cấp vừa trang nghiêm vừa đảm bảo xanh, sạch, đẹp. (Ảnh: S.B).

Trong quá trình làm việc, được các cán bộ Công an hướng dẫn nhiệt tình, mọi thắc mắc đều được giải đáp cẩn thận, chị Lan cho rằng, việc thay đổi hình thức quản lý sổ hộ khẩu truyền thống sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân là một phương thức cần thiết, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.

“Mọi thông tin về gia đình tôi đều được quản lý bằng dữ liệu điện tử. Qua đó, tiết kiệm được thời gian, không phải kê khai nhiều trên giấy tờ như trước nữa, tôi khá hài lòng về Luật cư trú mới này”, chị Lan bày tỏ.

Mang theo hồ sơ, giấy tờ đến trụ sở Công an phường Cống Vị, anh Quang Tuấn Nghĩa (Tây Hồ) mua được một căn hộ chung cư tại đường Liễu Giai (phường Cống Vị, quạn Ba Đình).

Ngay sau khi biết tin Luật cư trú 2020 được áp dụng có nhiều thuận lợi cho người dân ngoài tỉnh nhập khẩu vào Hà Nội, anh Nghĩa đến trụ sở Công an phường Cống Vị để đăng ký thường trú, mặc dù đã tìm hiểu trước về Luật Cư trú 2020 cũng như nắm sơ bộ về những điểm mới của Luật trong đó có việc các thủ tục hành chính sẽ được rút gọn tối đa, tuy nhiên, anh vẫn khá ngạc nhiên khi được trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm.

Trong số hồ sơ anh mang đến làm thủ tục đăng ký thường trú, gồm có: 1 bản khai thay đổi thông tin cư trú, bản sao công chứng giấy bàn giao căn hộ và sổ hộ khẩu cũ. Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ hành chính Công an phường Cống Vị giúp anh xử lý thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo lại để đối chiếu thông tin. Các thao tác diễn ra chỉ trong vòng 5 phút, tờ giấy hẹn in ra và trao cho anh, còn sổ hộ khẩu cũ được Công an phường thu hồi lại.

Đi làm hộ khẩu, tạm trú khi Luật Cư trú mới đi vào "lòng dân" ở Hà Nội - Ảnh 2.
Người dân làm thủ tục cư trú trên địa bàn Hà Nội sau ngày 1/7/2021. (Ảnh: S.B).

Sau nhiều năm lao động, tích cóp được chút “đỉnh”, anh Phùng Ngọc Sơn (quê Kim Bôi, Hòa Bình) mua được căn nhà ở phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), khi biết tin Luật cư trú 2020 được áp dụng có nhiều thuận lợi cho người dân ngoài tỉnh nhập khẩu vào Hà Nội, anh Sơn đến UBND phường Mai Dịch đăng ký thủ tục nhập khẩu.

“Tôi biết trước đây nếu muốn được nhập khẩu vào Hà Nội, những công dân ngoại tỉnh như tôi cần rất nhiều loại giấy tờ, như một hợp đồng lao động vô thời hạn, giấy giới thiệu, đơn đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi công tác…”, anh Sơn nói và cho biết, từ khi bỏ những thủ tục rườm rà trên, việc nhập khẩu của anh trở nên gọn gàng, tiện lợi. Anh Sơn chỉ cần khai đủ thông tin vào tờ khai mà cơ quan công an cung cấp, trình giấy chuyển khẩu từ nơi cư trú cũ tới nơi mới và nộp lại sổ hộ khẩu cũ là hoàn thành thủ tục.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Công an phường Láng Thượng cho biết, ngay từ khi Công an TP, Công an quận triển khai, Công an phường xác định các nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương thực hiện.

“Để phục vụ tốt nhất cho người dân trong thực hiện Luật cư trú mới, chúng tôi đã chủ động trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng tiếp dân khang trang, hiện đại, phục vụ nhu cầu của người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng với đó, chúng tôi cũng chuẩn bị về yếu tố con người. Trong đó, các cán bộ, chiến sĩ được trang bị, tập huấn, phổ biến các thông tin về Luật Cư trú, thực hiện tốt nhiệm vụ, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, Ban chỉ huy Công an phường cũng quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong phục vụ nhân dân, giao tiếp ứng xử với người dân”, trung tá Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đi làm hộ khẩu, tạm trú khi Luật Cư trú mới đi vào "lòng dân" ở Hà Nội - Ảnh 3.
Lực lượng chức năng kiểm tra thông tin và hướng dẫn người dân đi làm thủ tục cư trú trên địa bàn Hà Nội sau ngày 1/7/2021. (Ảnh: S.B).

Theo Trưởng Công an phường Láng Thượng, cán bộ, chiến sĩ Công an phường mong muốn, sẽ phục vụ tốt nhất cho người dân, để mỗi người dân khi đến trụ sở tiếp dân sẽ có tâm lý thoải mái nhất, có sự hài lòng về thái độ phục vụ cũng như sự trân trọng của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính.

Đối với quận Ba Đình, Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công an quận Ba Đình cho biết, thực hiện kế hoạch của Công an TP.Hà Nội, Công an quận Ba Đình đã xây dựng kế hoạch về triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020.

Công an quận Ba Đình đã thành lập đoàn khảo sát do Trưởng Công an quận làm trưởng đoàn cùng các đội nghiệp vụ đi khảo sát các điểm tiếp dân tại 14 Công an phường để trực tiếp chỉ đạo triển khai Luật Cư trú năm 2020. Công an quận cũng mở hội nghị để đánh giá việc triển khai Luật Cư trú năm 2020.

Đồng thời, mời cán bộ Khoa Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Học viện Cảnh sát làm giảng viên tập huấn cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội 14 Công an các phường được bố trí làm công tác tiếp dân liên quan đến Luật Cư trú năm 2020. “Với tất cả sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Công an quận, chúng tôi luôn mong muốn có thể làm tất cả để tạo mọi thuận lợi cho nhân dân”, thiếu tá Nguyễn Anh Đức khẳng định.

Vẫn còn vướng mắc

Giữa tháng 7/2021, chị Trịnh Mỹ Linh (23 tuổi), đang thuê nhà trọ tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đến công an phường đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, việc của chị chưa được giải quyết bởi theo một cán bộ công an phường tại đây giải thích, từ ngày 1/7, muốn đăng ký tạm trú thì hợp đồng cho thuê nhà phải được công chứng hoặc chứng thực giữa bên thuê và bên cho thuê.

“Việc này cũng gây nhiều khó khăn, mất thời gian cho những người thuê nhà như chúng tôi. Bởi việc chứng thực, công chứng phải làm vào giờ hành chính, mà mình còn phải đi làm, lại mất thêm một buổi. Ngoài ra, việc liên hệ với chủ nhà để họ sắp xếp thời gian đi chứng thực cũng rất khó khăn, bởi họ cũng khá bận, không sắp xếp thời gian ngay được”, chị Linh cho hay.

Trung tá Đào Trọng Nghĩa, Trưởng Công an phường Mai Dịch (Cầu Giấy) cho rằng, Luật cư trú mới có nhiều điểm ưu việt phục vụ nhân dân, không hạn chế bằng nhiều điều kiện. Tuy nhiên qua thực tế xử lý thủ tục hành chính cho người dân không tránh khỏi những vướng mắc. Vì vậy, quy định trên là một điểm gây khó khăn, mất thời gian cho cả chính quyền và người dân.

“Nếu bỏ được điều khoản trên thì sẽ thuận lợi cho người dân cũng như cán bộ xử lý thủ tục hành chính rất nhiều”, trung tá Đào Trọng Nghĩa cho hay.

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết: Theo Luật Cư trú 2020, quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng Internet. “Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân có nhiều thuận lợi, người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân…”, Luật sư Trần Tuấn Anh nhận định.

Tuy vậy, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, hiện nay tại các điểm đăng ký cư trú ở các phường, xã trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều thời điểm cán bộ xử lý thủ tục hành chính không thể vào được hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư để truy xuất, đối chiếu thông tin người dân vì hệ thống bị treo, chậm.

“Những lúc như vậy, cán bộ sẽ phải giải quyết, thu thập dữ liệu người dân bằng hình thức thủ công, đòi hỏi người dân làm nhiều thủ tục, mang nhiều giấy tờ chứng minh hơn, vì không thể đối chiếu dữ liệu trên hệ thống, gây rườm rà, mất thời gian cho nhân dân. Nhiều người dân còn hỏi tại sao có Luật cư trú mới rồi mà vẫn phải đòi hỏi những giấy tờ trên”, Trưởng Công an phường Mai Dịch cho hay.

Cũng theo trung tá Đào Trọng Nghĩa, luật mới được áp dụng có nhiều điểm mới nên các cán bộ xử lý thủ tục hành chính còn nhiều bỡ ngỡ, chưa thể làm quen ngay. Vì vậy, phải thêm thời gian để các cán bộ trên làm quen và thích nghi, sau đó việc giải quyết cho người dân sẽ nhanh gọn hơn.

(Còn nữa)

Sông Bùi

Đọc nhiều