Ai “chống lưng” cho ngôi biệt thư xây trái phép được livestream đẹp nhất Cà Mau
Theo thông tin từ UBND TP Cà Mau, sự việc xây dựng trái phép một căn biệt thự trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý của địa phương này đã đi vào những bước cuối cùng của nó: Buộc phải tháo dỡ hoặc chờ cưỡng chế tháo dỡ. Dư luận được một phen xôn xao từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay…
Để sự việc diễn tiến như hôm nay, trước hết và trên hết cần phải nhìn nhận rằng, có một sự tắc trách nào đó từ các cấp quản lý hành chính, quản lý đất đai tại địa phương này. Mặc dù, UBND TP Cà Mau đã nhanh chóng ra quyết định xử phạt hành chính và lên kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ với căn biệt thự xây trái phép trên hai thửa đất nuôi trồng thủy sản ấy, nhưng, đó vẫn là một giải pháp khá trễ, khi căn biệt thự đã gần như hoàn thiện. Với diện tích lên tới 1.659m2 và có thể trông thấy từ cách xa hàng trăm mét, một công trình như thế không thể xây dựng một cách lén lút chứ đừng nói đến việc có thể qua mặt được các cơ quan chức năng. Liệu có tiêu cực nào ở đây không? Kết quả thì cần chờ đợi nhưng rõ ràng cần một sự chấn chỉnh rất lớn từ một số công bộc của dân để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí như trên.
Bên cạnh vấn đề về quản lý hành chính, sự việc vừa qua tại TP Cà Mau còn cho thấy một thực tế đáng báo động khác, đó là tâm lý ảo tưởng, trạng thái vĩ cuồng của những cá nhân tự cho mình là giàu có. Trước đó, hồi cuối năm 2022, chủ căn biệt thự liên tục đăng tải hình ảnh, livestream quá trình xây biệt thự, rồi giới thiệu rằng đó là công trình “đẹp nhất tỉnh Cà Mau”. Cho đến khi bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện ra sai phạm thì ông trả lời báo chí là “do không am hiểu về pháp luật nên tôi đã xây dựng nhà trên phần đất trên chứ không có ý nghĩ làm trái quy định của pháp luật dẫn đến sai phạm (…)”. Dẫu vậy, ông và gia đình vẫn không chấp nhận lệnh tháo dỡ và cho đến hôm qua (16/02), cơ quan chức năng TP Cà Mau đã ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ với căn biệt thự tại xã Tân Thành. Đây rõ ràng là một sự thách thức từ đầu đến cuối, không chỉ đơn thuần là thiếu hiểu biết về tri thức pháp luật, mà còn ngông cuồng, tự tin mình có thể qua mặt được các cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này, không thể không lên án.
Ngoài ra, sau tất cả, cũng cần phải nhìn nhận lại một thực tế, đó là vẫn còn nhiều thiếu sót trong Luật Đất đai – công cụ pháp lý trực tiếp điều chỉnh những hành vi của các cá nhân, tổ chức trong sự vụ lần này. Thực tiễn sinh động và phức tạp của đời sống xã hội nước ta những năm gần đây đã và đang đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung thêm nhiều vấn đề mới, bức xúc vào Luật Đất đai. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa hoàn thiện. Điều này là một khó khăn rất lớn, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong việc cản trở người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan chức năng trong việc quản lý, điều hành hoạt động sử dụng đất. Sự việc vừa qua tại Cà Mau chỉ là một trong vô vàn những ví dụ đã qua và sắp tới về những hệ lụy cho một khung pháp lý thiếu thực tế và chưa vững vàng. Do vậy, nhanh chóng tổ chức soạn thảo, giải trình và cho ý kiến về một bộ Luật Đất đai mới đang là nhiệm vụ, là yêu cầu cấp bách đến các đại biểu, các nhà làm chính sách ở Việt Nam.
Hơn bao giờ hết, vấn đề đất đai là “chìa khóa” của sự ổn định chính trị tại đất nước. Ý thức rõ tầm quan trọng của Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã không ít lần tỏ thái độ sốt ruột vì sự chậm chạp của các cơ quan làm luật ở trung ương. Đã nhiều lần ông nhắc về những “nút thắt”, những “sơ hở” và cũng rất nhiều lần ông khẳng định nhiệm vụ trước mắt là góp ý thẳng thắn về từng điều luật, rằng chúng ta không nên nói nhiều về thứ chung chung. Nhưng chỉ mỗi Chủ tịch Quốc hội sốt ruột thôi thì không đủ…
Khánh Đăng