Ai “bán” thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ?
Ngày 7/8 vừa qua, giữa những biến động lớn cả trong và ngoài nước, Việt Nam lại chứng kiến sự ra đi của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Những tưởng dành cho Thượng tướng chỉ có những lời tiếc thương đưa tiễn đưa người con ưu tú của đất nước, thì đáng buồn thay, có những kẻ mượn cái danh ‘nghĩa tử nghĩa tận’ để gán cho ông cái “danh” ‘bán nước cầu vinh’. Bọn họ, những kẻ vì phục vụ thủ đoạn của mình, sẵn sàng công kích cả người đã khuất mà nói ông “bán Ải Nam Quan, thác Bản Giốc”, “bán 15.000km2 vịnh Bắc Bộ”.
Trước tiên, xin bàn về luận điệu “hạ bút ký biên bản nhượng Ải Nam Quan, thác Bản Giốc” hư cấu. Gọi là hư cấu, vì vào ngày 31/12/1999, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ký kết duy nhất “Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc”. Bất kỳ một thỏa thuận, giao ước nào giữa hai quốc gia đều phải được gọi đúng tên là Hiệp ước, được cả hai bên và cộng đồng thế giới công nhận. Biên bản, về bản chất, không có hiệu lực pháp lý để thi hành, mà chỉ là “văn bản ghi chép lại những sự việc đã xảy ra hoặc đang xảy ra.” Chỉ riêng điều này cũng đủ để thể hiện sự thiếu kiến thức trầm trọng về luật pháp lẫn tiếng Việt của những kẻ thích đi rao giảng, “luận tội”, nhưng đầu óc thì lại trống rỗng.
Trong “Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc” (Hiệp ước 1999), cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều thống nhất chỉ lấy hai tài liệu lịch sử là Công ước Pháp – Thanh 1887 và Công ước Pháp – Thanh 1895 làm cơ sở xác định đường biên giới giữa hai nước, được chính quyền thực dân Pháp khi đó đang đô hộ nước ta với triều đình nhà Thanh, phân định và cắm các cột mốc biên giới. Sau hơn 100 năm, thiên nhiên đã làm xói mòn, thất lạc các cột mốc này, dẫn đến những xung đột về chủ quyền tại vùng biên giới, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh và cuộc sống của người dân nơi đây. Chính vì lẽ đó, Bộ Ngoại giao nước ta đã phải trải qua chặng đường hơn 30 năm đầy cam go để đưa chính phủ Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, xác lập lại đường biên giới bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, trên hết là đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân vùng biên giới.
Việc tranh chấp xung quanh thác Bản Giốc xuất phát từ thực tế Công ước 1887 và 1895 không mô tả cụ thể khu vực cồn Pò Thoong (nơi có dòng chảy của sông biên giới Quây Sơn), mà chỉ phân định “Từ điểm này, đường biên giới chạy theo chính giữa (trung tuyến) dòng sông cho đến thác Ta Tung” trong biên bản phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh ngày 31/5/1892. Vì vậy mà Hiệp ước 1999 cũng đã không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này, mà để bỏ ngỏ 4 khu vực loại C, chứ không hề bị “bán mất” như những luận điệu xuyên tạc.
Đến tận năm 2008, Trung Quốc mới chấp nhận lấy đường biên giới từ mốc 53 cũ đi qua cồn Pò Thoong, rồi đi tiếp đến chính giữa mặt thác chính của thác Bản Giốc, sau đó đi theo trung tuyến của dòng chảy chính của sông Quây Sơn. Với kết quả đó, một phần hai thác chính của Bản Giốc cùng toàn bộ phần thác phụ và một phần tư cồn Pò Thoong quy thuộc Việt Nam. Trong khi nếu theo nguyên tắc quốc tế thì toàn bộ cồn này phải thuộc về Trung Quốc vì dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam. Như vậy, kết quả của việc phân định biên giới tại thác Bản Giốc thực tế đã mang lại cho Việt Nam một phần cồn Pò Thoong, chứ không hề mất thác Bản Giốc. Việc lầm tưởng thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Việt Nam có thể nói xuất phát từ tiềm thức của người Việt, do đời sống và tinh thần gắn liền với dòng thác, mang đến một cảm tình đặc biệt. Nhưng biên giới đã định, không chỉ là câu chuyện mới, mà đã có từ hơn 100 năm trước. Những viện dẫn từ các tài liệu lịch sử khác, đáng tiếc, không phải là bộ phận của hai Công ước ký kết giữa Pháp và nhà Thanh, vì vậy không có giá trị pháp lý.
Thực chất, vào thời điểm đó, chính quyền thực dân Pháp – đại diện bởi Đặc sứ Ernest Constans – vì muốn được ‘danh chính ngôn thuận’ công nhận sự chiếm đóng tại nước ta đã nhân nhượng mà trao cho triều đình Mãn Thanh gần như toàn bộ tổng Tụ Long (khoảng 750m2 thuộc tỉnh Hà Giang thời ấy), và đánh mất luôn hơn chín xã thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng (tỉnh Quảng Yên, nay là Quảng Ninh). Vậy câu hỏi ai ‘bán nước cầu vinh’, đến đây cũng đã rõ.
Hơn nữa, nếu xét về về góc độ ngôn ngữ, cái tên Ải Nam Quan có nghĩa là “Cửa ải đi về phía Nam”. Nếu là phần đất của nước Việt, chẳng phải gọi tên Ải Bắc Quan mới đúng? Nếu triều đình nhà Thanh từng xây cổng thành phân định biên giới, hiển nhiên nó phải được xây trên phần đất của nhà Thanh. Như vậy, chỉ riêng cái tên của vùng đất này cũng đã phản ánh thực tế biên giới tại đây.
Đất nước ta đã trải lịch sử hơn 4.000 năm, cũng là từng ấy thời gian bang giao với nước láng giếng phương Bắc. Trong những thời kỳ trước, với sự vắng bóng của khoa học công nghệ, sự sai lệch, dị bản trong việc ghi chép sử sách, cùng những biến cố lịch sử, đường biên giới giữa nước ta và Trung Quốc chưa bao giờ được phân định một cách chính xác, thậm chí bị xê dịch, xâm lấn. Hiệp ước 1999 vì thế đã định ra những cột mốc biên giới bằng phương tiện, kỹ thuật tiên tiến, bền vững, để từ nay và muôn đời sau, quốc gia láng giềng cũng không thể lợi dụng bất kỳ cái cớ hay một cuộc binh biến nào để thay đổi đường biên giới được nữa. Thành quả suốt 30 năm đấu tranh của Bộ Ngoại giao và cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, trái với suy nghĩ lệch lạc là một “cuộc bán đất”, thực tế chính là chiếc gông cùm vào bất kỳ mưu đồ xâm lược nào từ phương Bắc, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền cho tổ quốc.
Lại nói về luận điệu “mất 15,000km2 vịnh Bắc Bộ”, con số này xuất phát từ Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), cụ thể là vào năm 1999, dữ liệu của WB cho thấy chỉ tiêu diện tích đất của Việt Nam bất ngờ “sụt giảm” từ 325.000km2 xuống còn 310.000km2. 15.000km2 này tương đương với khoảng 5% diện tích cả nước, bằng toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng, hay gần như toàn bộ tỉnh Nghệ An. Quả là sự việc “đáng ngờ”, nhưng tại sao lại có sự thay đổi “bất thường” này? Việc này bắt nguồn từ thay đổi của chính WB trong định nghĩa về diện tích đất. Trước thời điểm 1998-2001, WB cùng nhiều tổ chức khác đều tính diện tích nước mặt nội địa và vùng thủy nội địa trong cách tính của mình, và theo đó, diện tích của Việt Nam được tính theo tổng diện tích đất (310.000km2) và diện tích nước mặt (15.000km2). Sau khi thống nhất điều chỉnh cách tính, Ngân hàng Thế giới công nhận diện tích lãnh thổ nước ta là 310.000km2.
Nói cách khác, sự khác biệt về số liệu diện tích trước và sau giai đoạn 1998-2001 – thời điểm cố Tổng Bí Thư bị “luận tội” bán đất – đơn giản chỉ là sự thay đổi về cách tính của các tổ chức trên thế giới. Đáng tiếc rằng, những kẻ đang rung đùi “lên án” cố Tổng Bí thư, một lần nữa lại dùng sự kém cỏi tri thức để làm công cụ bôi nhọ nhân cách của ông.
‘Nghĩa tử là nghĩa tận’, câu tục ngữ ngàn đời nay của người Việt Nam, xin dành cho những người thực sự cần “suy ngẫm và ăn năn về những việc mình đã làm.” Khi tri thức bị xói mòn bởi sự mù quáng về nhận thức, những con người đang vấy bẩn lương tâm của mình bằng những lời lẽ xuyên tạc, công kích cả người đã khuất, hãy nghĩ đến câu nói của chính mình: Hùm chết để lại da.
HẠNH VĂN