8 cô giáo mầm non tình nguyện dạy không lương đã trúng tuyển viên chức
Sau đợt thi, xét tuyển viên chức giáo dục vừa qua, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã tuyển được 125 người, trong đó cả 8 cô giáo mầm non dạy tình nguyện không lương đã trúng tuyển.
Sau bài viết “Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương“, chiều tối 15-12, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – vui mừng thông báo các cô giáo tình nguyện này đều đã trúng tuyển.
“Cả 8 cô giáo mầm non dạy tình nguyện không lương đã trúng tuyển biên chế và theo dự kiến sẽ nhận quyết định vào ngày 22-12 tới”, bà Hạnh thông tin.
Ông Đoàn Trung Kiên – trưởng Phòng nội vụ huyện Đắk Glong – cho biết việc cả 8 cô giáo mầm non trúng tuyển biên chế đã giảm áp lực rất lớn cho tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm nay, đặc biệt từ đầu năm học 2019-2020.
Theo ông Kiên, đầu năm học 2019-2020, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho huyện 125 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non để đáp ứng phần nào nhu cầu dạy và học tại địa phương. Huyện đã tổ chức tuyển giáo viên mầm non thành hai đợt, thi tuyển và xét tuyển.
Theo đó, có 31 người trúng tuyển sau khi thi tuyển và có 96 cô giáo khác cũng vừa trúng tuyển sau đợt xét tuyển vừa qua. Hiện nay đã có kết quả, tuy nhiên huyện đang làm thêm một số thủ tục theo quy định.
“Dự kiến tuần tới huyện sẽ ra quyết định tuyển dụng đối với các giáo viên để phân công về các trường, điểm trường chưa có hoặc thiếu giáo viên từ đầu năm học đến nay, đảm bảo sớm ổn định dạy và học”, ông Kiên nói.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết trong điều kiện thiếu giáo viên mầm non, việc các cô giáo tình nguyện ở lại dạy không lương cũng như tấm lòng các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí là rất đáng trân quý.
“Vừa qua, chúng tôi đã phân bổ hơn 600 chỉ tiêu về các địa phương. Theo phân cấp, các huyện sẽ rà soát để tổ chức thi, xét tuyển theo đúng quy định. Một số trường hợp cá biệt, đặc biệt các địa phương cũng đã làm báo cáo gởi tỉnh, Bộ Nội vụ để xin ý kiến với mục tiêu đảm bảo tốt nhất việc dạy và học, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa”, bà Hạnh nói.
Như Cánh Cò đã thông tin, từ đầu năm học này, dù không được tái ký hợp đồng nhưng vì sợ hàng trăm học sinh phải nghỉ học giữa chừng, lang thang lên nương rẫy giữa cái lạnh cắt da, 8 cô giáo Trường mầm non Hoa Pơ Lang tự nguyện dạy không lương.
Theo ông Vũ Tá Long – chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, việc các giáo viên tình nguyện ở lại dạy không lương là điều hết sức đáng trân trọng trong tình hình thiếu giáo viên tại địa phương. Hai tháng trở lại đây, từ khoản đóng góp của các nhà hảo tâm, huyện hỗ trợ 29 cô giáo với mức 3 triệu đồng/người/tháng.
Điểm trường Suối Phèn sẽ được mở đầu năm 2020
Về điểm trường Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong) đã được xây dựng hoàn thành với dãy nhà 3 phòng học khang trang nhưng hơn 70 cháu nhỏ từ 3-5 tuổi phải ở nhà, ông Kiên khẳng định cũng sẽ được giải quyết.
Cụ thể, đầu năm học này, để trẻ từ 3-5 tuổi được đến trường, Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng điểm trường nêu trên và nhập về Trường mầm non Hoa Pơ Lang, xã Quảng Sơn, Đắk Glong. Tuy nhiên, hiện trường này đang thiếu giáo viên, các cô giáo phải dạy không lương mới tạm đáp ứng nên không có người đến dạy ở điểm trường Suối Phèn.
“Tới đây, khi được giao chỉ tiêu biên chế, nhà trường sẽ phân bổ về điểm trường Suối Phèn 3 cô giáo để duy trì việc dạy, học tại đây” – cô giáo Nguyễn Thị Oanh, hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ Lang, thông tin.
Trưởng Phòng nội vụ huyện Đắk Glong Đoàn Trung Kiên khẳng định trong đợt tuyển giáo viên mầm non vừa rồi, huyện cũng đã tính chỉ tiêu biên chế cho điểm trường Suối Phèn. Vì vậy, theo dự kiến cuối tháng 12-2019 hoặc đầu tháng 1-2020 thì tất cả các điểm trường, trong đó có Suối Phèn, sẽ có cô giáo đến dạy.
TRUNG TÂN/TTO