419
category
424347

75 năm Quốc khánh 2/9: Độc lập, tự do – giá trị to lớn nhất của cách mạng Việt Nam

Diệu Hương 27/08/2020 17:26

Giá trị độc lập tự do thật cao quý và thiêng liêng vì được đổi bằng máu xương, mồ hôi, trí tuệ của bao thế hệ người con nước Việt, của bạn bè chí cốt gần xa…

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trưởng Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của nhân dân Việt Nam đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện lời thề thiêng liêng tại lễ Tuyên ngôn độc lập “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Trong hơn 7 thập kỷ vừa qua, độc lập, tự do, hạnh phúc luôn là khát vọng cháy bỏng và là nguồn động lực to lớn để muôn người dân Việt Nam vượt qua khó khăn, gian khổ, tay nắm chặt tay, cùng nhau tiến bước dưới cờ đỏ sao vàng, phấn đấu vì nền độc lập dân tộc, vì sự phát triển thịnh vượng, phồn vinh, vì hạnh phúc của muôn nhà và góp phần cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thế nhưng trong dòng chảy chung một ý chí đó, cũng có những tiếng nói lạc lõng, ngược dòng, các đối tượng thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị ra sức tìm mọi thủ đoạn, dùng mọi luận điệu, tự xưng mọi danh nghĩa để phủ nhận nền độc lập ấy, để xuyên tạc nền độc lập tự chủ của Việt Nam hiện nay.

Tự khoác lên mình danh nghĩa người yêu nước, tâm huyết với vận mệnh quốc gia, dân tộc, không ít cá nhân, nhóm cá nhân đã viết bài phát tán trên Internet, mạng xã hội với những giọng điệu xuyên tạc, họ lập luận rằng: Thế giới hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế theo họ, chính sách đối ngoại, độc lập tự chủ đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp. Nếu vẫn theo đuổi là bảo thủ, tự mình cô lập mình, là tự tách ra khỏi dòng chảy của thế giới và trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước.

Chúng cho rằng, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng 3 không: Không tham gia các liên minh quân sự; không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia là chói tay mình. Đó là chính sách không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi nếu không thì không bảo vệ được độc lập, chủ quyền, nhất là chủ quyền ở biển Đông.

Cốt lõi của những luận điệu này là dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.

Thực tiễn 75 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập, tự chủ vẫn luôn là mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của đất nước.

Kể từ năm 1945, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và thực hiện đúng đắn, sáng tạo chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam chưa bao giờ tự cô lập mình và luôn nỗ lực hết mình, phá thế bao vây cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao, đối tác với các nước trên thế giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng luôn thể hiện rõ vai trò của một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước ở tất cả các châu lục, có quan hệ hợp tác với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ. Ký kết hơn 90 Hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, từ tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thành viên ASEAN,… Đặc biệt năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhận những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật và vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam và mức độ tin cậy ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Trong quan hệ quốc phòng cũng vậy, Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc độc lập, tự chủ vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ngày 25/11/2019, trong lễ công bố sách trăng quốc phòng Việt Nam 2019, đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán này.

Việt Nam đang vững bước đi lên với một tư thế mới – tư thế của những người làm chủ, với một vị thế mới – vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định, đang trên đà phát triển và chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các sân chơi khu vực và toàn cầu. Đó là thực tế, là sự thật mà mọi người dân Việt Nam đều phấn khởi, tự hào, được bạn bè quốc tế ghi nhận, nể trọng.

Nền độc lập có giá trị vô cùng to lớn, không ai, không một quốc gia nào có thể phủ nhận được điều này. Đặc biệt với những người Việt Nam chiến đấu bền bỉ suốt 30 năm để gìn giữ nền độc lập nước nhà, thì độc lập còn là lời thể thiêng liêng của cả một thế hệ.

Từ lời thề độc lập thiêng liêng 75 năm trước cho đến nay, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được Đảng ta đặt ra để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm nay, 90 triệu người dân Việt Nam và hàng triệu kiều bào trên khắp thế giới đón tết độc lập 2/9 trong một hoàn cảnh rất khác. Đó là những tác động của dịch Covid 19, những càng trong lúc khó khăn, giá trị của độc lập, của ngành Quốc khánh lại càng sâu sắc, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 3 tiếng “Ngày độc lập” vẫn mãi âm vang trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt, vẫn mãi là niềm tự hào, là động lực mạnh mẽ để dân tộc ta vươn lên, vượt qua khó khăn, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều