439
category
481512

75 năm Kì họp Quốc hội đầu tiên và câu chuyện diễn ra vỏn vẹn trong 4 giờ

Bảo Trâm 02/03/2021 15:27

Hôm nay (2/3/2021), tròn 75 năm Quốc hội tiến hành kỳ họp đầu tiên (2/3/1946). Đây là mốc son có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TL

1946 – năm đầu của chính quyền cách mạng với việc tiến hành tổng tuyển cử đầu tiên, tổ chức kỳ họp Quốc hội đầu tiên, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và ban hành bản Hiến pháp đầu tiên. Lịch sử dồn nén và tinh tường với chừng ấy sự kiện vĩ đại diễn ra trong mối quan hệ trình tự và khăng khít của cuộc đấu tranh chính trị pháp lý, giành, giữ và xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Hãy gấp rút chuẩn bị mở Quốc hội. Lời kêu gọi của Đảng thông báo trên báo Sự thật số đặc biệt về tết Bính Tuất, 1946. Khó có thể hình dung hết tình hình chính trị phức tạp và căng thẳng từ sau tổng tuyển cử thành công đến thời điểm chuẩn bị kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.

Sách lịch sử Quốc hội đã ghi lại bối cảnh lịch sử khốc liệt và gay cấn trong khoảng lặng sau thắng lợi của tổng tuyển cử. Đấy cũng chính là những khó khăn, thách thức cực kỳ to lớn để bước tiếp đến ngày Mở Quốc hội – Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa đầu.

Thắng lợi tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946

Điều mà kẻ thù ra sức phá hoại, tìm mọi cách vô hiệu hóa kết quả tổng tuyển cử chính là ở sứ mệnh của Quốc hội khóa đầu. Quốc hội sẽ thành lập Chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân. Và bằng tất cả tinh thần và lực lượng, cuộc đấu tranh khôn khéo, kiên quyết của chính quyền cách mạng, điều mà kẻ thù mong muốn không thể diễn ra.

Trong tình hình căng thẳng và hết sức khẩn trương, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên đã được triệu tập. Chủ tịch Chính phủ liên hiệp lâm thời Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh quyết định Quốc dân đại hội sẽ họp tại Hà Nội, ngày chủ nhật 3 tháng 3 năm 1946. Đây chính là kỳ họp thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Dù cố gắng tìm hiểu kỹ nhưng chúng tôi không thể hình dung nổi công việc chuẩn bị cho một kỳ họp trong điều kiện như vậy. Về tổ chức, về nội dung, về địa điểm, về an ninh, về nơi ăn nghỉ của đại biểu và những vấn đề gay cấn trong đấu tranh, thương lượng, vừa hòa hoãn, vừa khôn khéo, cương quyết để tiến hành kỳ họp và thành lập Chính phủ chính thức của nhân dân.

Sớm hơn 1 ngày, sáng 2.3.1946, ngót 300 đại biểu đã tề tựu tại nhà hát lớn thành phố Hà Nội… Và đúng 9 giờ 30 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn.

Sớm hơn 1 ngày, sáng 2.3.1946, ngót 300 đại biểu đã tề tựu tại nhà hát lớn thành phố Hà Nội

Cuộc đấu trí và mở rộng thêm 70 người dành cho các vị ở hải ngoại về tham gia Quốc hội và báo cáo trước Quốc hội thắng lợi tổng tuyển cử cũng như những việc Chính phủ liên hiệp lâm thời đã đảm nhận kết thúc trong thắng lợi. Lịch sử Quốc hội ghi rõ : Quốc hội thảo luận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, bầu Hồ chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ. Và tổ chức Chính phủ mới, Người nói: “Chính phủ nay ra mắt gồm các đại biểu của đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới nhanh chóng như thế”.

Giây phút lịch sử Chính phủ liên hiệp kháng chiến ra đời và sau đó đi vào cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước được bắt đầu như vậy. Đây cũng là thành quả đầu tiên mà cuộc tổng tuyển cử hướng tới – Chính phủ do quốc dân đại hội cử ra.

Hình ảnh thẻ đại biểu quốc hội kỳ họp thứ nhất

Chưa bao giờ kỳ họp Quốc hội ngắn như vậy, chỉ trong vòng 4 giờ từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đầu đã kết thúc thành công với những quyết sách lớn thành lập Chính phủ, các cơ quan quan trọng của Quốc hội, thảo luận và bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp.

Quốc hội khóa đầu đã viết tiếp trang sử mới bằng việc thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên tại Kỳ họp thứ hai. Theo yêu cầu của Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp Kỳ thứ 2 tại thủ đô Hà Nội từ ngày 29.10 đến ngày 9.11.1946. Về dự họp có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở cực Nam Trung bộ và Nam Bộ vì công việc kháng chiến không ra được. Đại diện lãnh sứ quán Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ… cùng tham dự.

Chính phủ Liên hiệp kháng chiến làm lễ ra mắt và tuyên thệ trước Quốc hội tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946

Chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ (từ 9 giờ – 13 giờ 10 phút ngày 2.3.1946), Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ nhất đã thiết lập được bộ máy nhà nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Bộ máy này có đủ hiệu lực và uy tín để tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, đối nội và đối ngoại đi tới thành công.

Bảo Trâm

Đọc nhiều