135185
topics
412415

70% bệnh nhân ung thư Việt Nam tử vong, Giám đốc BV K lên tiếng

24/07/2020 10:00

Theo báo cáo của EIU, 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tử vong, song Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, con số này chưa phản ánh đầy đủ.

Việt Nam đứng đầu khu vực về tỉ lệ tử vong ung thư?

Cơ quan nghiên cứu và phân tích toàn cầu (EIU) thuộc tạp chí The Economist vừa công bố báo cáo về khả năng kiểm soát ung thư của 10 quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương, đăng trên Sáng kiến ung thư thế giới.

Báo cáo chủ yếu dựa trên nguồn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) và một phần do EIU thu thập độc lập.

Bảng tỉ lệ tử vong vì ung thư tại 10 nước theo báo cáo của EIU

10 quốc gia trong báo cáo này được lựa chọn dựa trên quy mô dân số, mức độ phát triển kinh tế và thu nhập. Đại diện cho nhóm các quốc gia có thu nhập cao bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc; thu nhập trung bình cao bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Phillippines và Việt Nam.

Theo báo cáo EIU, tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong khi tại Việt Nam ung thư đứng hàng 2 (chiếm 17,9% các trường hợp tử vong do nguyên nhân bệnh tật.

Về tỉ lệ tử vong ung thư, EIU sử dụng thang điểm M:I (tỉ lệ tử vong/số ca mắc) để đánh giá hiệu quả công tác phòng chống, kiểm soát ung thư.

Theo cách tính này, tỉ lệ tử vong ung thư ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, dao động từ 60-70%, Việt Nam có tỉ lệ tử vong xấp xỉ 70%, nhóm các quốc gia có thu nhập cao dao động từ 30 50%, cụ thể Nhật Bản chưa tới 50%, tỉ lệ này tại Hàn Quốc là 35% và tại Úc là 28%.

Tỉ lệ sống thêm 5 năm cũng có sự khác biệt giữa 2 nhóm quốc gia, đơn cử tỉ lệ sống thêm 5 năm ung thư đại tràng ở Hàn Quốc là 71,8% trong khi ở Ấn Độ là 38,9%, với ung thư phổi, tỉ lệ sống tốt sau 5 năm ở Nhật Bản là 33%, nhưng Ấn Độ chỉ có 3,7%. Với ung thư vú, tỉ lệ sống sau 5 năm tại Úc lên tới 89,5%, ở Malaysia là 65%.

Báo cáo nhận định mức độ phát triển, đầu tư nguồn lực, sự vào cuộc, phối hợp của các bộ ban ngành, các cấp có thẩm quyền liên quan chặt chẽ tới hiệu quả hoạt động phòng chống ung thư.

Việt Nam nhiều ung thư ác tính nên tử vong cao

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, số liệu gần 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tử vong không phải là số chết trên số mắc mới trong 1 năm.

“Năm 2018, Việt Nam có 165.000 ca mắc mới ung thư, 115.000 ca tử vong nhưng số tử vong không phải trên số mắc mới mà là số tích luỹ các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư từ những năm trước đó”, PGS Quảng nhấn mạnh.

Tỉ lệ tử vong trong ung thư đánh giá tại một thời điểm không có giá trị so với đánh giá trong một khoảng thời gian dài 3 hay 5 năm.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K

Theo PGS Quảng, tiêu chí chính xác hơn đánh giá năng lực điều trị ung thư là thời gian sống thêm của bệnh nhân kể từ thời điểm chẩn đoán, điều trị.

Ngoài ra nguyên nhân ung thư ở các nước khác nhau dẫn đến cơ cấu, tỉ lệ các loại ung thư cũng khác nhau, đây là yếu tố khiến lệ tử vong ung thư khác biệt giữa các nước, theo như báo cáo của EIU.

Tại Việt Nam, 3 loại ung thư hay gặp nhất là phổi, gan, dạ dày đều là những ung thư tiến triển nhanh, ác tính, tiên lượng xấu, điều trị khó khăn. Ngay các nước tiên tiến, bệnh nhân ung thư gan, phổi, dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, tỉ lệ điều trị hiệu quả cũng rất thấp.

Trong khi đó tại Úc, 3 ung thư phổ biến nhất trong nghiên cứu là ung thư vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, đều là những ung thư diễn tiến chậm, tiên lượng tốt, dù có phát hiện ở giai đoạn muộn tại Việt Nam, bệnh nhân cũng có thể sống thêm nhiều năm.

Hay tại Hàn Quốc, 3 ung thư thường gặp nhất là giáp trạng, đại trực tràng và dạ dày, trong đó ung thư tuyến giáp tại Việt Nam gần như chữa khỏi hoàn toàn.

“So sánh chỉ thực sự có giá trị khi cùng một hệ quy chiếu với tỉ lệ cơ cấu các ung thư tương đồng nhau, như vậy mới thể đưa ra so sánh đánh giá chính xác. Ngay tại Úc, Hàn Quốc, ung thư phổi không phải là 1 trong 3 loại ung thư thường gặp nhất, nhưng theo báo cáo, ung thư phổi vẫn chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất”, PGS Quảng nêu quan điểm.

Theo PGS Quảng, mô hình ung thư có liên quan đến nhiều yếu tố, nhìn chung ở các nước phát triển, phần lớn ung thư liên quan đến lối sống công nghiệp, béo phì, ít vận động trong khi ở các nước đang phát triển thường gặp ung thư liên quan đến nhiễm khuẩn như nhiễm virus HBV gây ung thư gan, HPV gây ung thư cổ tử cung, EBV gây ung thư vòm và vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày.

Làm gì để giảm gánh nặng bệnh ung thư?

Dù tự tin rằng các phương tiện chẩn đoán, trang thiết bị, thuốc men… điều trị ung thư đều đã ngang bằng với một số nước song PGS Quảng thừa nhận Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả 4 nội dung cơ bản của chiến lược phòng chống ung thư bao gồm phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ.

Việt Nam không tách riêng chương trình phòng chống ung thư như nhiều nước mà gộp chung thành chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Ngân sách cho chương trình phòng chống ung thư còn hạn hẹp và bảo hiểm chưa chi trả cho hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm ung thư.

Ngành ung thư cũng đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng như tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng ung thư, phát hiện sớm ung thư, triển khai tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng hơn, đặc biệt ưu tiên sàng lọc các ung thư thường gặp, có khả năng điều trị hiệu quả và phát hiện bằng các phương tiện có thể tiến hành trên quy mô lớn.

“Về lâu dài, nếu quỹ bảo hiểm y tế chi trả được một phần cho sàng lọc ung thư, đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao, sẽ giúp nhiều hơn người dân tiếp cận được với sàng lọc ung thư”, PGS Quảng kỳ vọng.

Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, chi phí càng rẻ. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.

Thúy Hạnh

Tags :
Đọc nhiều