1
category
638350

6 năm nữa, Hà Nội sẽ có 100 km đường sắt đô thị?

Đông Duy 28/05/2024 14:52

UBND TP Hà Nội xác định đường sắt đô thị là xương sống của hạ tầng giao thông vận tải và đặt mục tiêu đến 2030, thành phố sẽ xây dựng xong 96,8 km đường sắt đô thị và tiến đến 2045, mạng lưới 550 km sẽ hoàn tất.

Tàu điện Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được vận hành đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã trong năm nay. Ảnh: MRB
Tàu điện Nhổn – ga Hà Nội dự kiến được vận hành đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã trong năm nay. Ảnh: MRB

UBND TP Hà Nội vừa xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về dự thảo Đề án tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô. Trong đó, đường sắt đô thị được xác định là trục xương sống của hạ tầng giao thông vận tải.

Cụ thể, đến năm 2030, UBND TP Hà Nội phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8 km đường sắt đô thị; lập đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có lộ trình đầu tư trước năm 2035.

Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301 và đến năm 2045 sẽ hoàn thành toàn bộ 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 550 km theo quy hoạch chung Thủ đô.

Trên cơ sở mục tiêu đầu tư, UBND TP Hà Nội đề xuất “một kế hoạch, ba phân kỳ” để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị.

Theo đó, giai đoạn đầu đến năm 2030, UBND TP Hà Nội cần khoảng 14,6 tỷ USD để xây dựng 96,8 km đường sắt. Nếu hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển 2,2-2,6 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến năm 2035, Hà Nội cần khoảng 22,5 tỷ USD để đầu tư 301 km đường sắt. Nếu đạt mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 35-40% lượng khách và có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến năm 2045, Hà Nội phấn đấu hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh.

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Hà Nội theo quy hoạch Giao thông Vận tải đến năm 2030.
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Hà Nội theo quy hoạch Giao thông Vận tải đến năm 2030.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá phương án “một kế hoạch, ba phân kỳ” sẽ đáp ứng mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 và vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%, nhưng khối lượng công việc lớn, đòi hỏi nguồn lực cao. Nhu cầu vốn lớn, thời gian thu xếp ngắn nên thành phố sẽ gặp khó khăn trong việc huy động, bố trí nguồn vốn, cộng với chi phí vận hành, bảo dưỡng sẽ gây áp lực lên ngân sách.

Để hoàn thành các mục tiêu trong dự thảo Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô là thách thức lớn, đòi hỏi thành phố cần tính đột phá trong việc huy động nguồn vốn và tổ chức triển khai.

Theo quy hoạch chung Thủ đô trước đây, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài 397 km. Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh mới được thông qua, TP Hà Nội đã bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi – Thường Tín – Cảng hàng không số 2; Mê Linh – Cổ Loa – Yên Viên – Dương Xá; Cát Linh – Lê Văn Lương – Vành đai 4 và Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Láng – Nhật Tân dài khoảng 150 km.

Tuy nhiên, đến nay thành phố mới hoàn thành được 13 km tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông và sắp hoàn thành 12,5 km của tuyến số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Sau gần 3 năm vận hành, tàu điện Cát Linh – Hà Đông thu hút đông đảo người dân, mỗi ngày có khoảng 35.000 hành khách đi lại. Trong đó 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% đi lại với các mục đích khác.

Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nêu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.

Trong kết luận, Bộ Chính trị thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hoà Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai.

“Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế – xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực Đồng bằng sông Hồng”, Bộ Chính trị nêu rõ.

Nhờ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nội đô, hạ tầng đô thị sẽ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, cần quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng lưu ý phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh.

Về đầu tư các cầu bắc qua sông Hồng, trong năm 2024, thành phố phấn đấu khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến tổng mức đầu tư 16.100 tỷ đồng) vào quý 4/2024.

Theo dự thảo Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8/397,8 km, tương ứng hoàn thành khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Đông Duy

Đọc nhiều