6 ‘điểm nghẽn’ khiến quan hệ Mỹ – Trung trượt dài không phanh

24/07/2020 09:06

Dưới đây là những diễn biến trong các năm qua khiến mối quan hệ Mỹ – Trung “trượt dài” trong những tranh cãi và bất đồng.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã đạt đến mức gay gắt nhất kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây hơn 4 thập kỷ mà minh chứng gần đây nhất là việc chính phủ Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.

6 "diem nghen" khien quan he my-trung truot dai khong phanh hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Trên các lĩnh vực như quốc phòng, thương mại, công nghệ, nhân quyền và các lĩnh vực khác, Mỹ – Trung liên tục có các động thái “ăn miếng trả miếng” bất chấp việc Tổng thống Trump không ít lần nhận định về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Tôi cho rằng quan hệ Mỹ – Trung đang ở trong vòng xoáy nguy hiểm, không phải là không có nguyên nhân nhưng sẽ không có kỹ năng ngoại giao phù hợp nào có thể kìm lại xu hướng này”, Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung tại Hiệp hội châu Á nhận định.

Theo chuyên gia này, mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột “đã vượt khỏi những thách thức cụ thể có thể giải quyết sang cuộc xung đột về hệ thống và các giá trị”.

Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung Quốc thì cho rằng những căng thẳng gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu là dấu hiệu đáng báo động.

“Nếu chúng ta la hét vào mặt nhau và đóng sầm những cánh cửa, thế giới sẽ trở thành một nơi vô cùng bất ổn và các doanh nghiệp không thể lên kế hoạch làm ăn”, ông Craig Allen cho hay.

Dưới đây là những diễn biến trong các năm qua khiến mối quan hệ Mỹ – Trung “trượt dài” trong những tranh cãi và bất đồng.

Đại dịch Covid-19 khoét sâu rạn nứt Mỹ – Trung

Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc về việc làm lây lan đại dịch Covid-19, vốn được ghi nhận bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của nước này vào cuối năm ngoái. Ông Trump và Ngoại trưởng Pompeo đã gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc” và “virus Vũ Hán”, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Ngày 4/7, Tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc “sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” về đại dịch Covid-19. Chính quyền Mỹ cũng đã ngừng tài trợ và rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cáo buộc tổ chức này đã “tiếp tay” cho những thiếu sót ban đầu của Trung Quốc khi phản ứng với đại dịch.

Ngày 21/7, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các hacker Trung Quốc đang cố gắng đánh cắp thông tin nghiên cứu của Mỹ về vaccine ngừa Covid-19.

Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ các cuộc công kích của chính quyền Tổng thống Trump về Covid-19, đồng thời chỉ trích phản ứng yếu kém của Mỹ trong đại dịch. Một số quan chức Trung Quốc thậm chí đã lan truyền giả thiết không có căn cứ rằng, quân đội Mỹ có thể đã mang virus SARS-CoV-2 tới Vũ Hán trong chuyến thăm vào tháng 10 năm ngoái.

Cuộc chiến thương mại không hồi kết

Ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 một phần là nhờ những cáo buộc của ông khi cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng mối quan hệ thương mại với Mỹ bằng cách bán hàng hóa cho Mỹ nhiều hơn là mua lại hàng hóa từ nước này.

Kể từ khi trở thành Tổng thống, ông Trump đã áp một loạt thuế trừng phạt hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng có các động thái “ăn miếng trả miếng”. Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài đến nay đã hơn 2 năm.

Mặc dù thỏa thuận thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 nhằm tạm dừng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có hiệu lực vào tháng 1/2020 nhưng hầu hết các lệnh trừng phạt thuế quan vẫn chưa được dỡ bỏ.

Căng thẳng ở Biển Đông

Chính quyền Tổng thống Trump tăng cường thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông – tuyến đường biển quan trọng của thế giới. Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gọi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh lớn, đồng thời tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp” và cho biết, Mỹ đang chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Lan rộng trên “mặt trận” công nghệ và truyền thông

Trong một thời gian dài, chính quyền Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ. Căng thẳng trên mặt trận công nghệ giữa 2 bên tiếp tục leo thang khi Nhà Trắng đưa Huawei, công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc vào danh sách đen, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác “tẩy chay” Huawei trong các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông. Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã bị bắt ở Canada từ tháng 12/2018 theo lệnh dẫn độ tới Mỹ vì các tội danh lừa đảo.

Tuần trước, Vương quốc Anh tuyên bố nước này đứng về phía Mỹ khi cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei trong hệ thống mạng không dây tốc độ cao của nước này.

Trên mặt trận truyền thông, chính quyền Tổng thống Trump đã hạn chế số lượng công dân Trung Quốc có thể làm việc trong các hãng tin của Trung Quốc tại Mỹ.

Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách ra lệnh trục xuất các nhà báo của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, cũng như thực hiện các biện pháp khác nhằm gia tăng trở ngại cho báo chí Mỹ tại Trung Quốc.

Lo ngại về khả năng các nhà báo ở Trung Quốc bị hạn chế hoạt động, tuần trước, New York Times đã thông báo sẽ di dời nhiều cơ quan tại Hong Kong (Trung Quốc) tới Seoul, Hàn Quốc.

Trục xuất sinh viên

Chính quyền Tổng thống Trump cũng tiến hành các biện pháp hủy bỏ visa của hàng nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Mỹ, những người có liên hệ trực tiếp với các trường đại học có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Động thái này có nguy cơ khiến các quy định hạn chế về giáo dục tiếp tục được đưa ra và chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng cách thực hiện lệnh cấm cấp visa cho công dân Mỹ.

Vấn đề Hong Kong và Tân Cương

Vấn đề Hong Kong cũng là một điểm nóng trong quan hệ hai nước khi hồi tháng 5/2020, Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng đối xử đặc biệt về thương mại của Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính này. Các nhà chức trách Trung Quốc đã ngay lập tức chỉ trích các biện pháp trên và tuyên bố sẽ đáp trả.

Cũng trong tháng này, chính phủ Mỹ đã thông báo trừng phạt các quan chức Trung Quốc về “vấn đề nhân quyền” với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương, trong đó có các quan chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm cả Bí thư Đảng ủy Tân Cương.

Trung Quốc sau đó đã đưa ra cảnh báo đáp trả với các cơ quan và cá nhân của Mỹ, đồng thời chỉ trích Mỹ can thiệp nghiêm trọng vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế cũng như quan hệ Trung – Mỹ. Chiều 13/7, Trung Quốc đã tuyên bố trừng phạt 1 ủy ban và 4 cá nhân của chính phủ và Quốc hội Mỹ như một động thái trả đũa các lệnh trừng phạt tương tự của Mỹ liên quan đến vấn đề Tân Cương.

(Theo Straits Times)

Đọc nhiều