262
topics
441211

5 tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành

21/10/2020 16:29

Cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Long Thành – Bến Lức, Dầu Giây – Phan Thiết, Dầu Giây – Đà Lạt, Biên Hòa – Vũng Tàu là 5 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành.

Đồng Nai nằm ở Đông Nam Bộ, cùng với TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương tạo thành tứ giác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với 3,2 triệu dân, 31 khu công nghiệp, Đồng Nai là một trong những tỉnh đứng đầu về thu hút đầu tư.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành dự kiến khởi công đầu năm 2021, công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2040. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại sau khi sân bay đi vào hoạt động, cũng như giúp cho kinh tế trong vùng phát triển mạnh mẽ, sẽ có 5 tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành.

Nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và ĐT 319 thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang được thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Ảnh: Phước Tuấn.
Nút giao cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và ĐT319 tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang được thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.

Cao tốc Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, bốn làn xe, là tuyến đường quan trọng giúp kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thông xe 5 năm trước với vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng, cao tốc đã rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, đem lại lợi ích kinh tế lớn trong vùng.

Mới đây, trước tình trạng quá tải của tuyến đường này, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý mở rộng 24 km từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến huyện Long Thành (Đồng Nai) lên tám làn xe vào năm 2025, nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Sau năm 2040, đoạn này sẽ được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31 km từ Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên quy mô bốn làn xe vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.

Theo ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc CIPM Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải), phương án mở rộng tuyến đường được đưa ra trên cơ sở kết hợp kịch bản hàng loạt dự án hạ tầng kết nối cao tốc này những năm tới như: sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch), cầu Cát Lái, đường 25C và các tuyến đường sắt…

Cao tốc Long Thành – Bến Lức được khởi công tháng 7/2014, dài 47 km, đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai với tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng, sử dụng vốn tài trợ của ADB và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là cao tốc lớn nhất miền Nam, kế hoạch thông xe ban đầu vào cuối năm 2018, nhưng đến nay chỉ đạt 80% khối lượng do thiếu vốn và vướng mặt bằng.

Hai tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành với mốc hoàn thành cuối năm 2023. Việc điều chỉnh này làm cơ sở để làm thủ tục gia hạn vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Cao tốc hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành hoạt động, tuyến đường sẽ giảm tải cho cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua rừng ngập mặn huyện Long Thành (Đồng Nai) tháng 10/2020. Ảnh: Phước Tuấn.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua rừng ngập mặn huyện Long Thành (Đồng Nai) tháng 10/2020.

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là một trong ba dự án cao tốc được Quốc hội thông qua với đầu tư công, sử dụng vốn trung hạn 2020-2025, khởi công hôm 30/9. Dự án dài 99 km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, điểm đầu tại đoạn nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, điểm cuối nối với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Dự án phân kỳ giai đoạn một với bốn làn xe, thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô sáu làn xe, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022.

Khi hoàn thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội với trục cao tốc Bắc – Nam. Tuyến đường sẽ thu hút đầu tư và góp phần khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh du lịch biển Nam Trung Bộ với khu vực kinh tế phía Nam, đặc biệt là sân bay Long Thành.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2016, với tổng chiều dài 77,8 km, chia thành hai dự án thành phần. Bốn tháng trước, Chính phủ cho phép tách đoạn tuyến từ nút giao Vũng Vằn (TP Bà Rịa) đến nút giao đường ven biển (TP Vũng Tàu) ra khỏi dự án.

Phạm vi dự án còn lại 69 km, gồm gần 60 km từ Biên Hòa đến Vũng Vằn và 9 km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép – Thị Vải. Vừa qua, Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ 9 km đường nhánh ra để tỉnh tự đầu tư.

Tổng kinh phí dự án khoảng gần 23.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trong đó, mức đầu tư tuyến đường qua Đồng Nai gần 13.000 tỷ đồng, đoạn Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 10.700 tỷ đồng.

Theo Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải – Tedi, đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ được triển khai trước. Dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng được triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Khi hoàn thành, cao tốc có sáu làn xe (giai đoạn một xây bốn làn) và thời gian thu phí 23 năm.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giải tỏa áp lực cho quốc lộ 51. Hiện tuyến đường huyết mạch nối Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM thường xảy ra ùn tắc. Trong tương lai khi hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải tăng công suất khai thác (hiện 40%), tình trạng này sẽ trầm trọng hơn.

Năm tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành. Đồ hoạ: Thanh Huyền.
Năm tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành.

Cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt dài hơn 200 km từ thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), được chia ra làm ba dự án thành phần.

Dự án từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 60 km qua ba huyện Thống Nhất, Định Quán và huyện Tân Phú (Đồng Nai), tổng kinh phí 6.400 tỷ đồng. Tuyến đường thiết kế bốn làn xe, tốc độ 80 đến 100 km/h.

Dự án từ Tân Phú đi Bảo Lộc dài 67 km với 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Đạ Huoai, Đạ Tẻl, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Giai đoạn đầu, đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây cũng là một trong những dự án ưu tiên đầu tư trước để “chia lửa” cho đèo Bảo Lộc thường xuyên bị sạt lở do thời tiết.

Dự án thành phần còn lại từ Bảo Lộc – Liên Khương dài 73 km với 12.000 tỷ đồng, thiết kế đường bốn làn xe, tốc độ 100 km/h.

Khi toàn tuyến cao tốc hoàn thành, giao thông kết nối miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trở nên thuận lợi hơn, giảm tải cho quốc lộ 20, rút ngắn thời gian đi lại giữa hai khu vực. Nếu Bộ Giao thông Vận tải đồng ý, dự án sẽ được khởi công trong quý III năm 2022 và hoàn thành năm 2025.

Ngoài 5 dự án cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải và Đồng Nai cũng đã quy hoạch nhiều dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường sắt trên cao, ĐT 319, Hương lộ 2, đường kết nối từ sân bay ra ba cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây…

Phước Tuấn/ VNE

Đọc nhiều