130115
topics
361318

5 triệu người Vũ Hán đã đi đâu trước lệnh phong tỏa?

10/02/2020 07:54

Các quan chức Vũ Hán thừa nhận khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố trước khi nó bị phong tỏa hôm 23/1, câu hỏi đặt ra bây giờ là những người này đã đi tới đâu ở Trung Quốc.

Vài tuần sau khi có những báo cáo đầu tiên về một loại virus mới bí ẩn xuất hiện ở Vũ Hán, hàng triệu người đã rời khỏi thành phố này, chen chúc trên những chuyến xe buýt, tàu điện và máy bay, khi cả đất nước đang bước vào kỳ Xuân Vận. Vũ Hán vốn đóng vai trò trung tâm giao thông vận tải kết nối các vùng của Trung Quốc.

Rất nhiều người đã mang theo cùng với họ loại virus corona mới, mà tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 900 người, và khiến khoảng 40.000 người mắc bệnh.

5 trieu nguoi Vu Han da di dau truoc lenh phong toa? hinh anh 1 1000_1_.jpeg
Nhà ga Hán Khẩu ở thành phố Vũ Hán – tâm điểm của đợt bùng phát – vẫn hoạt động vào ngày 21/1, hai ngày trước lệnh phong tỏa thành phố. Ảnh: AP.

5 triệu người đã đi đâu?

Chính quyền trung ương bắt đầu phong tỏa thành phố vào ngày 23/1, nhưng có vẻ lúc đó đã quá muộn. Phát biểu trước các phóng viên sau lệnh phong tỏa, Thị trưởng Chu Tiên Vượng ước tính đã có khoảng 5 triệu người khỏi thành phố.

Câu hỏi lớn nhất là, những người này đã đi đâu.

Sử dụng dữ liệu bản đồ của Baidu để phân tích, hãng tin AP phát hiện rằng trong vòng 2 tuần trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, gần 70% các chuyến đi ra khỏi thành phố là để tới các địa điểm bên trong tỉnh Hồ Bắc.

14% những chuyến đi khác kết thúc ở các tỉnh lân cận là Giang Tô, Hồ Nam, Hà Nam và An Huy. Gần 2% di chuyển xuống phía nam đến tỉnh Quảng Đông, và những chuyến đi còn lại được thực hiện tới khắp đất nước.

Tính ở ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trùng Khánh là điểm đến của nhiều chuyến đi từ Vũ Hán nhất. Dữ liệu đi lại này cũng hợp lý nếu so sánh với thống kê về sự lây lan sớm của virus. Phần lớn các trường hợp nhiễm mới và tử vong diễn ra bên trong tỉnh Hồ Bắc. Tiếp theo là số lượng lớn các ca nhiễm ở miền trung – các tỉnh xung quanh Hồ Bắc. Và cuối cùng là các ổ dịch nhỏ hơn tại Trùng Khánh, Bắc Kinh và Thượng Hải.

“Lệnh phong tỏa rõ ràng là được đưa ra quá muộn. 5 triệu người đã rời khỏi thành phố, đó là một thách thức lớn. Rất nhiều trong số này có thể sẽ không quay lại Vũ Hán mà lưu lại ở đâu đó. Để kiểm soát sự bùng phát, chúng ta phải xử lý vấn đề này. Một mặt, chúng ta cần phải xác định những người đã rời đi, và mặt khác, chúng ta phải giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử”, ông Jin Dong-Yan, nhà nghiên cứu phân tử virus tại Trường Khoa học Y sinh thuộc Đại học Hong Kong, nhận định.

Ông Jin nói thêm rằng sự lây lan ban đầu tới các tỉnh ở miền Trung Trung Quốc – với số lượng lớn lao động nhập cư và hệ thống chăm sóc y tế với năng lực kém hơn – đã gây ra gánh nặng lớn cho các bệnh viện tại những tỉnh này.

Dữ liệu công khai của Baidu cho thấy các chuyến đi theo tỷ lệ, không phải số lượng tuyệt đối và không bao các chuyến đi của những người không sử dụng điện thoại di động, hoặc không sử dụng ứng dụng dựa trên dịch vụ định vị của Baidu.

5 trieu nguoi Vu Han da di dau truoc lenh phong toa? hinh anh 2 Untitled.jpg
Bản đồ phân bổ số ca nhiễm bệnh tại các tỉnh của Trung Quốc (màu càng đậm càng nhiều ca nhiễm), hiện tại có 3 tỉnh với hơn 1.000 ca bệnh là Hồ Bắc (tâm dịch), Chiết Giang và Quảng Đông. 4 tỉnh xung quanh Hồ Bắc đều ghi nhận từ 500-1.000 ca nhiễm. Đồ họa: AP.

Tuy nhiên, với tính chất phổ quát của nó, các quan chức y tế công cộng và các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu bản đồ kiểu này trong nhiều năm để dự báo sự khả năng lây nhiễm của bệnh.

Các nhà nghiên cứu từ nhóm WorldPop của Đại học Southampton, chuyên nghiên cứu về động lực học dân số, đã sử dụng dữ liệu trong giai đoạn 2013-2015 từ dịch vụ bản đồ của Baidu và dữ liệu bay quốc tế để lập một bản đồ xác định rủi ro toàn cầu về khả năng lây lan của virus 2019-nCoV.

Ông Lai Sheng Jie từ WorldPop, người từng làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho rằng điều quan trọng là phải hiểu rõ các xu hướng di chuyển của người dân ra khỏi Vũ Hán trước khi thành phố bị phong tỏa.

“Có thể họ chưa phát hiện các triệu chứng, nhưng đã mang virus và có khả năng lây nhiễm sau đó. Chúng ta cần xem xét các điểm đến trên khắp Trung Quốc và thế giới, tập trung vào các điểm đến chính và cố gắng chuẩn bị để kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh”, ông Lai cho hay.

Điều gì sẽ xảy ra khi mọi người quay lại làm việc?

Các nhà nghiên cứu của WorldPop phát hiện ra rằng việc đi ra khỏi Vũ Hán thường trở nên rầm rộ vào vài tuần trước Tết Nguyên đán. Dựa trên các mô hình di chuyển trước đây, họ đã xác định 18 thành phố có nguy cơ cao ở Trung Quốc, những nơi đón nhận nhiều người từ Vũ Hán nhất trong giai đoạn này.

Sau đó họ tiếp tục sử dụng dữ liệu chuyến bay năm 2018 từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IAA để lập bản đồ kết nối toàn cầu của các thành phố đó.

Họ lưu ý rằng tất cả những mô hình này được xây dựng trên dữ liệu trước ngày 23/1, và khách du lịch có thể di chuyển tới nơi khác sau khi lệnh phong tỏa được ban hành.

Theo phân tích của WorldPop, các điểm đến hàng đầu bên ngoài Trung Quốc có rủi ro cao là Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Singapore…

Ông Lai và các đồng nghiệp cho biết họ đã tìm thấy một sự tương quan cao giữa những trường hợp lây nhiễm ban đầu được phát hiện, với mô hình rủi ro mà họ đã xây dựng trên cơ sở dữ liệu của Baidu và IAA.

5 trieu nguoi Vu Han da di dau truoc lenh phong toa? hinh anh 3 1000x_1.jpg
Các chuyên gia lo ngại về điều sẽ xảy ra khi hàng trăm triệu người Trung Quốc quay trở lại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Bloomberg.

Trường hợp đầu tiên nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc được báo cáo hôm 13/1 ở Thái Lan, 2 ngày sau đó đến lượt Nhật Bản – quốc gia có nguy cơ cao nhất theo phân tích của World Pop. Trong vòng 10 ngày kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa, virus đã lang sang hơn 20 quốc gia. Chín trong số 10 quốc gia có nhiều chuyến bay kết nối với các thành phố có nguy cơ cao ở đại lục, cũng là các nước có nhiều ca nhiễm virus nhất tới lúc này.

Mô hình dự đoán không phải là hoàn hảo. Ví dụ, tỉnh Chiết Giang không phải là điểm đến hàng đầu của những người ra khỏi Vũ Hán, nhưng hiện là nơi có nhiều ca nhiễm bệnh nhất bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, với 1.048 trường hợp. Mặc dù chỉ có 2% chuyến đi từ Vũ Hán là tới tỉnh Quảng Đông, nhưng hiện nay số người nhiễm bệnh ở tỉnh này cũng lên tới 1.095 người.

Nhiều người bây giờ tập trung vào điều gì sẽ xảy ra sau đợt di chuyển thứ 2 trong kỳ Xuân Vận, khi hàng trăm triệu người sẽ trở lại các thành phố lớn để làm việc. Chính phủ đã kéo dài kỳ nghỉ, dự kiến kết thúc hôm 30/1, tới ngày 10/2, nhưng các tuyến xe buýt liên tỉnh tới Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn phải dừng hoạt động, khiến các siêu đô thị này giờ đây như bị “hôn mê”.

Hồng Anh (Theo AP)

Đọc nhiều