5 đề xuất của Tòa Tối cao về Tòa TP Thủ Đức

10/12/2020 06:27

Chiều 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, trong đó có việc thành lập TAND, VKSND TP Thủ Đức.

5 đề xuất của Tòa Tối cao về Tòa TP Thủ Đức - ảnh 1
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Đ.MINH

“Em của tòa cấp tỉnh, anh của tòa cấp huyện”

Trình bày tờ trình về việc thành lập TAND TP Thủ Đức, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu năm đề xuất.

Cụ thể, về thẩm quyền theo lãnh thổ, TAND TP Thủ Đức có thẩm quyền của ba tòa án cũ (TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức).

Về tổ chức bộ máy, ngoài bốn tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính) và bộ máy giúp việc, TAND Tối cao đề nghị thành lập thêm Tòa Kinh tế. Ông lý giải: Thống kê cho thấy các vụ, việc về kinh tế của ba tòa án phải giải quyết là gần 1.100 vụ, việc/năm, tương lai còn tiếp tục gia tăng.

Về biên chế, số lượng thẩm phán và chế độ, chính sách, ông cho biết: Từ thống kê năm năm qua cho thấy sau khi hợp nhất, TAND TP Thủ Đức sẽ phải giải quyết trung bình là 6.300 vụ, việc/năm. “Đây là quy mô của tòa án cấp tỉnh. Chúng tôi có rất nhiều tỉnh có quy mô 5.000-6.000 vụ, việc/năm” – ông Bình nói và tổng biên chế được giao cho ba tòa án nói trên là 128 người, trong đó có 67 thẩm phán và đội ngũ này đang quá tải.

Ông ví von: Tính chất của TAND TP Thủ Đức là “em của tòa cấp tỉnh, anh của cấp huyện nhưng quy mô bằng tòa cấp tỉnh”. Do vậy, về biên chế, TAND Tối cao đề xuất Ủy ban Thường vụ QH giao bổ sung cho TAND TP Thủ Đức 180 biên chế (nằm ngoài tổng số biên chế đã giao cho TAND từ năm 2012), trong đó có 85 thẩm phán.

Về chế độ, chính sách, ông nói: Nếu bố trí tương đương cấp huyện cho các chức danh ở đây thì khó cho anh em. Đây là đặc thù, không có trong luật. Thẩm quyền của chánh án chỉ có thể quyết được chính sách hoặc theo huyện hoặc theo tỉnh nên đề nghị chính sách cao hơn cấp huyện một chút.

Về cơ sở vật chất, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp đất sạch, có vị trí tại Trung tâm hành chính của TP Thủ Đức và bố trí đủ ngân sách để kịp thời khởi công xây dựng trụ sở TAND TP Thủ Đức với quy mô tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ… Đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM bố trí ngân sách tương ứng để hỗ trợ TAND Tối cao xây dựng TAND TP Thủ Đức.

  TP Thủ Đức vẫn là đơn vị hành chính cấp quận. Đây là sắp xếp lại đơn vị hành chính, không nên mở rộng phạm vi để phức tạp thêm. Án tới chừng đó, mình sẽ tính quy mô tòa án to hơn các khu vực khác là đương nhiên.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Cán bộ tư pháp sẽ có chế độ đặc thù riêng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thường trực ủy ban nhất trí với tờ trình của TAND Tối cao về việc thành lập TAND TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Cơ quan thẩm tra cũng đồng ý về thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ của TAND TP Thủ Đức như đề xuất của TAND Tối cao.

Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết kèm theo tờ trình lại quy định: TAND TP Thủ Đức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND cấp huyện và cấp tỉnh; việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của TAND TP Thủ Đức chưa có hiệu lực pháp luật do TAND Cấp cao tại TP.HCM thực hiện.

Theo Ủy ban Tư pháp, với quy định này, TAND TP Thủ Đức có thẩm quyền về việc như TAND cấp tỉnh. Điều này không đúng quy định của luật, mâu thuẫn với các luật về tố tụng và không thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ QH.

“Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định thẩm quyền về việc của TAND TP Thủ Đức trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH, mà thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức TAND và các luật về tố tụng” – bà nói.

Về tổ chức bộ máy, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất thành lập Tòa Kinh tế thuộc TAND TP Thủ Đức.

Về việc giao thêm biên chế, số lượng thẩm phán của TAND TP Thủ Đức, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng cần được xem xét thận trọng, đặt trong tổng thể chung, các cơ quan VKSND và UBND TP Thủ Đức đều không đề nghị bổ sung biên chế…

Về phụ cấp chức vụ lãnh đạo, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ QH giao TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Nội vụ phối hợp nghiên cứu, xây dựng đề án, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết về cơ bản, Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban Tư pháp đều đồng ý về nguyên tắc: Tới đây, phải tính cho cán bộ tư pháp của TP thuộc TP này có chế độ đặc thù riêng so với cấp quận, huyện.

“Hiện khối cơ quan tư pháp mới có tòa án đề nghị thôi, cơ quan điều tra, VKS, thi hành án chưa đề nghị. Vấn đề này cũng liên quan đến đề án đổi mới một cách căn bản chính sách, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức của hệ thống chính trị và vị trí việc làm nên xin phép đồng chí chánh án để lại cái này, giải quyết trong thời gian tới đây” – ông Lưu nói thêm.

Về trụ sở, phó chủ tịch QH đề nghị ghi vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH giao Chính phủ, UBND TP.HCM tính toán đất, dự kiến kinh phí để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn tới, để có thể bố trí trụ sở mới…

ĐỨC MINH/PL

Đọc nhiều