8
category
402977

400 tỷ trong ngân hàng biến mất, tích cóp cả đời phút chốc tay trắng

22/06/2020 06:33

Gần đây, ngân hàng phải đối mặt với tình trạng tình trạng làm giả giấy tờ, sổ tiết kiệm nhằm rút tiền trong sổ tiết kiệm của khách ở ngân hàng. Rất nhiều vụ có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng biến chất.

Làm giả sổ tiết kiệm giống như thật 

Một hình thức làm giả sổ tiết kiệm nhằm rút trộm tiền ngân hàng là ấm mưu gửi tiết kiệm với số tiền thấp để lấy mẫu sổ tiết kiệm về làm giả với giá trị rất lớn, rồi dùng sổ giả này rút tiền ngân hàng.

Trong đó phải kể đến vụ chỉnh sửa sổ tiết kiệm rút 241 tỷ đồng trong ngân hàng ở Lào Cai. Cụ thể, năm 2017, nhiều khách hàng đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Song nhân viên nhà băng phát hiện số tiền ghi trên sổ tới vài chục tỷ đồng mà số tiền được gửi vào chỉ 1 triệu đồng/ sổ.

Những sổ tiết kiệm này có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa số và chữ. Các khách hàng cho biết họ nhờ Lê Thị Huệ (SN 1974, thường trú Lào Cai) gửi tiền hộ do Huệ có mối quan hệ với ngân hàng và được lãi suất cao hơn lãi suất niêm yết.

400 tỷ trong ngân hàng biến mất, tích cóp cả đời phút chốc tay trắng
Những quyển sổ tiết kiệm có giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng thực chất chỉ 1 triệu đồng.

Qua điều tra, phát hiện từ 27/12/2016 đến 17/4/2017, Huệ đã đến ngân hàng gửi 61 sổ tiết kiệm đứng tên các nạn nhân. Sau đó Huệ đã chuyển 50 sổ tiết kiệm cho Trần Mạnh Cường chỉnh sửa số tiền gửi từ 1 triệu đồng thành số tiền tương ứng với số tiền mà các bị hại đã gửi tiết kiệm thông qua Huệ. Sau khi làm giả, Huệ đã chuyển các sổ tiết kiệm này cho người bị hại nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà Huệ đã nhận của họ.

Tại Hà Nội, một vụ làm giả sổ tiết kiệm để rút số tiền lớn của một ngân hàng đã khiến nhiều người giật mình.

Cụ thể, Đỗ Đăng Trung và Nguyễn Bá Anh (cùng trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã câu kết với Chu Thị Thu Hường, vốn là trưởng phòng giao dịch của ngân hàng đã sử dụng tài khoản của mình đăng nhập vào hệ thống ngân hàng tìm kiếm và lấy thông tin về khách hàng rồi cung cấp cho Trung nhằm làm giả giấy tờ và sổ tiết kiệm của khách hàng.

Trung nhiều lần đi gửi tiền tiết kiệm với số tiền nhỏ để thao tác thủ tục, lấy sổ tiết kiệm về nghiên cứu kỹ để làm giả giống y như thật. Sau đó, Trung giả danh khách hàng gọi điện tới ngân hàng hẹn rút tiền. Đúng hẹn, Trung mang 2 sổ tiết kiệm và chứng minh thư giả tới rút 13 tỷ đồng.

400 tỷ trong ngân hàng biến mất, tích cóp cả đời phút chốc tay trắng
Đối tượng Đỗ Đăng Trung và số tiền tang vật.

Cách đây hơn 1 năm, thi trường rúng động vụ đại gia thủy sản Chu Thị Bình bị rút mất hàng trăm tỷ. Cụ thể, năm 2010-2019, việc bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank TP.HCM. Đáng chú ý, toàn bộ các giao dịch với bà Bình tại ngân hàng này đều do ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank TP.HCM) trực tiếp thực hiện. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.

Trước đó, vụ việc chấn động khi 17 khách gửi tiền mất 400 tỷ đồng tại ngân hàng ở Hải Phòng. Liên quan đến vụ việc, đã có ba cán bộ của ngân hàng bị khởi tố vì đã lừa đảo khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng.

Cảnh giác sai lầm khiến sổ tiết kiệm ‘bốc hơi’

Những vụ giả chữ ký, tất toán khống sổ tiết kiệm, nhận tiền gửi không đưa vào hệ thống, lập hồ sơ cho vay khống,… cho thấy nguy hiểm từ những nhân viên ngân hàng biến chất lợi dụng. Do đó, NHNN cần ban hành những quy trình thủ tục chặt chẽ hơn, để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.

Tuy nhiên, nguyên nhân nhiều vụ mất tiền trong sổ tiết kiệm thường là do sai lầm từ người gửi.

400 tỷ trong ngân hàng biến mất, tích cóp cả đời phút chốc tay trắng
Nguyên nhân nhiều vụ mất tiền trong sổ tiết kiệm thường là do sai lầm từ người gửi.

Có thể kể đến nguyên nhân nhiều khách hàng do quá tin tưởng nhân viên ngân hàng nên đã đồng ý ký sẵn chứng từ trống. Với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều người nghĩa rằng họ là khách VIP nên sẽ được nhân viên ngân hàng đến tận nhà, công ty để làm sổ tiết kiệm. Nhưng việc này vô cùng nguy hiểm, bởi nhân viên ngân hàng không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống hoặc không đưa đẩy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hay sau ký xong giấy tờ giao dịch thì tráo hồ sơ.

Tuyệt đối không gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau. Sau khi nhận sổ tiết kiệm cũng phải kiểm tra thật kỹ các chứng từ, đủ dấu của ngân hàng và chữ ký của người có trách nhiệm.

Khách hàng cũng nên cố gắng duy trì một chữ ký cố định. Vì nếu thay đổi chữ ký liên tục, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh sổ tiết kiệm đó là của mình.

Ngoài ra, phải giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, không được để cho người khác cầm hộ với bất kỳ lý do nào. Bởi kẻ lừa đảo có thể giả chữ ký để tất toán trước hạn.

Khách hàng cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Hãy chia nhỏ số tiền rồi gửi ở các ngân hàng khác nhau, tránh gửi một khoản lớn vào một nơi. Những kẻ lừa đảo thường nhắm đến khách hàng có khoản tiền gửi lớn.

Hạnh Nguyên/ VNN

Đọc nhiều