148628
topics
560877

4 kịch bản chống dịch trong ‘bình thường mới’ ở TP.HCM

25/10/2021 18:58

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế thành phố chiều 25/10 cho biết hiện nay số ca mắc mới tại thành phố đã giảm, với 73,5 ca/100.000 dân/tuần. Ngành y tế thành phố đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng 4 cấp độ nguy cơ, sẵn sàng ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới.

Chốt kiểm soát cửa ngõ TP.HCM vẫn hoạt động, người dân lúng túng khai báo di chuyển nội địa - ảnh 4
Lực lượng trực chốt hỗ trợ người dân khai báo y tế và di chuyển nội địa.

Số ca mắc mới đang có xu hướng giảm và nếu chỉ dựa vào tiêu chí số mắc mới trong tuần thì thành phố đang ở cấp độ 3. Song tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở người trên 18 tuổi rất cao (trên 99%), và người trên 65 tuổi đạt 91,8%, nên theo tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ, thành phố xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2. Do đó, công tác kiểm soát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó của ngành y tế vẫn đặt ở mức độ 3 (màu vàng – nguy cơ cao).

“Chúng ta phải cực kỳ thận trọng trong giai đoạn hiện nay dù số ca mới, số ca bệnh nặng, ca tử vong giảm liên tục”, bác sĩ Châu lưu ý.

Theo phó giám đốc Sở Y tế, cuối tháng này thành phố phải hoàn toàn tự lực trong công tác điều trị, kiểm soát dịch bệnh, khi hầu hết các đoàn y tế chi viện của Bộ Y tế và các địa phương đã rút đi. Ông bày tỏ sự lo lắng khi người dân nghe nói cấp độ dịch giảm, tỷ lệ tiêm vaccine tăng sẽ chủ quan mà lơ là 5K. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại, số ca mắc mới, ca nặng có thể tăng lên, gây khó khăn cho thành phố.

Liên quan đến công tác thu dung bệnh nhân Covid-19, ngành y tế đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng với số lượng ca mắc mới/100.000 dân/tuần.

Cụ thể, nếu TP HCM kiểm soát dịch tốt, số ca mắc mới thấp, dịch ở cấp độ 1, chủ yếu F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc, quản lý. Bệnh nhân cần nhập viện điều trị sẽ được đưa đến Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 đa tầng số 16, trước do Bệnh viện Bạch Mai đảm trách, nay đã được bàn giao cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, F0 sẽ được điều trị tại các khoa tại Bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, hoặc Nhi đồng Thành phố cho trẻ em, Từ Dũ cho sản phụ.

“Đây là tình huống tốt nhất khi chúng ta cùng sống chung với dịch”, bác sĩ Châu nói.

Phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ
Phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Trường hợp dịch được kiểm soát nhưng số ca mắc mới tương ứng với cấp độ 2, các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ vẫn sẽ được điều trị tại nhà. Trường hợp người bệnh cần nhập viện điều trị thì thành phố sử dụng hai bệnh viện dã chiến số 16 và 13 cùng các bệnh viện dã chiến cấp quận huyện, các khoa điều trị Covid-19 của các bệnh viện quận, huyện cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, hai bệnh viện chuyên khoa nhi, hai bệnh viện sản khoa Từ Dũ và Hùng Vương.

Kịch bản ba được triển khai khi dịch cơ bản được kiểm soát nhưng số ca mắc mới ở cấp độ ba. Đây chính là biện pháp chống dịch đang được thành phố áp dụng. Các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc, quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động sẽ quản lý 50-100 F0, toàn thành phố đang có 135 trạm y tế lưu động.

F0 cần nhập viện thì thành phố sẽ huy động ba bệnh viện dã chiến đa tầng số 13, 14 và 16. Ngoài ra, còn có các bệnh viện dã chiến của các quận, huyện cùng ba bệnh viện hồi sức tại Chợ Rẫy, Quân y 175 và Bệnh Nhiệt đới và cả ba bệnh viện chuyên khoa là Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và hai bệnh viện sản khoa Từ Dũ và Hùng Vương cùng vào cuộc.

Ở tình huống xấu nhất, khi dịch bùng phát trở lại, số ca tăng lên tương ứng mức độ 4, F0 nhẹ, không triệu chứng vẫn điều trị cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, căn cứ vào lượng F0, các phường, xã sẽ thành lập thêm các tổ chăm sóc cộng đồng để hỗ trợ các trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động chăm sóc người bệnh.

Trường hợp F0 phải nhập viện điều trị thì thành phố sẽ huy động toàn bộ các bệnh viện, trung tâm hồi sức trên địa bàn như giai đoạn đỉnh dịch hồi hơn một tháng trước. Theo đó, mỗi quận, huyện phải có một bệnh viện dã chiến quy mô 200-500 giường. F0 nặng, nguy kịch thì chăm sóc ở ba bệnh viện dã chiến, hoặc các khoa, đơn vị Covid-19 tại tất cả các bệnh viện trong thành phố. Tình huống này thành phố đã chuẩn bị 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19, khoảng 6.500 có oxy và 2.000 giường ICU (hồi sức tích cực).

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 nặng, nguy kịch tại Trung tâm hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện ung Bướu TP HCM cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách. Ảnh: Quỳnh Trần
Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 nặng, nguy kịch tại Trung tâm hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện ung Bướu TP HCM cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách.

Hiện nay, mỗi tuần các phường, xã, quận, huyện và TP Thủ Đức đều tổ chức đánh giá mức độ nguy cơ dịch, sau đó gửi kết quả về thành phố để tổng hợp. Thành phố công bố mức độ dịch trên cổng thông tin điện tử TP HCM.

Tính đến ngày 24/10, thành phố ghi nhận 425.674 trường hợp mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố, có 10.996 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 746 trẻ em, 286 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân được can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).

Thu Anh 

Đọc nhiều