8
category
330831

3 điểm bất hợp lý trong kịch bản miền Nam biến mất năm 2050

02/11/2019 13:32

“Nghiên cứu của Climate Central sử dụng giả định triều có tần suất 100 năm/lần kết hợp nước biển dâng 2 m. Đây dự báo quá cực đoan”, TS Huỳnh Thị Lan Hương phân tích.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) cho biết Việt Nam chưa có nhận định nào về việc toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Bà Hương cho rằng nhiều yếu tố trong nghiên cứu của Climate Central (Mỹ) về nguy cơ ngập gây ra nước biển dâng tại các đồng bằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, đặc biệt về mặt số liệu và giả định nghiên cứu.

Sự kết hợp của nhiều kịch bản cực đoan

Phân tích sâu hơn về nghiên cứu của Climate Central khi đưa ra nhận định “gần như toàn bộ diện tích miền Nam nước ta ngập dưới đỉnh triều vào năm 2050”, TS Hương chỉ ra 3 điểm bất hợp lý.

Thứ nhất, nghiên cứu đã lấy số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh và áp dụng kết quả cho tất cả địa hình trên toàn cầu. Trong khi đó, sai số sẽ xảy ra ở những khu vực khác nhau về tự nhiên, mặt đệm đến lớp phủ, nhà cửa, dân cư của từng khu vực.

Do đó, dù đã áp dụng phương pháp hiệu chỉnh sai số khá phù hợp khi kết hợp dữ liệu của Lidar và phân tích mô hình mạng thần kinh nhân tạo, điều này cũng không thể áp dụng cho toàn bộ các khu vực trên Trái Đất. Đây là điểm bất hợp lý lớn nhất trong nghiên cứu, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với các vùng khác.

3 diem bat hop ly trong kich ban mien Nam bien mat nam 2050 hinh anh 2
2 kịch bản ngập lụt cho miền Nam do Bộ TNMT cung cấp và trong nghiên cứu của Climate Central. Ảnh: Monre.gov.vn; New York Times.
3 diem bat hop ly trong kich ban mien Nam bien mat nam 2050 hinh anh 1

Thứ hai, Climate Central đã dự báo dựa trên việc xây dựng kịch bản nước biển dâng 2 m. Kịch bản này không được ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu phê duyệt và khuyến cáo sử dụng. Bởi lẽ nước biển dâng 2 m trong vòng 80 năm nữa là điều khó xảy ra.

“Không biết căn cứ vào đâu mà các nhà nghiên cứu của Mỹ lại dựa trên kịch bản này trong khi các đơn vị chuyên môn cũng không khuyến cáo sử dụng. Hiện, các quốc gia trong đó có Việt Nam chỉ xây dựng kịch bản ngập dưới đỉnh triều do nước biển dâng đến 1 m”, TS Hương nói.

Điểm thứ 3 mà bà Hương cho rằng vô lý, đó là nghiên cứu sử dụng thêm giả định về kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần kết hợp với việc nước biển dâng 2 m.

“Đây là các yếu tố dự báo quá cực đoan và khó có thể xảy ra. Trong khi triều cường có thể chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó thì báo cáo này lại nhận định khu vực gần như ngập vĩnh viễn khi kết hợp với nước biển dâng”, TS Hương phân tích.

Dựa trên 3 điểm bất hợp lý này, bà Hương cho rằng nghiên cứu chỉ mang ý nghĩa thông điệp cảnh báo, chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra nhận định khi áp dụng.

39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ ngập trong năm 2100

Cùng với việc chỉ ra các điểm bất hợp lý trong nghiên cứu của Climate Central, đại diện cơ quan chuyên môn của Bộ TNMT cũng nêu nhận định về nguy cơ ngập dưới đỉnh triều của khu vực ĐBSCL.

Theo đó, trong kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất (năm 2016) được Bộ TNMT xây dựng, nước ta có thể chịu ảnh hưởng nặng nề khi nước biển dâng 1 m. Đây là kịch bản xấu nhất mà Bộ có thể đưa ra ở thời điểm này.

“Với kịch bản này, 39% diện tích vùng ĐBSCL sẽ có nguy cơ ngập dưới đỉnh triều vào năm 2100. Đây là kịch bản khả dĩ nhất”, bà Hương cho biết.

Do đó, Phó viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng người dân không nên quá hoang mang về nguy cơ khu vực bị xóa sổ. Mọi phân tích, đánh giá cần dựa trên số liệu Bộ TNMT cung cấp.

3 diem bat hop ly trong kich ban mien Nam bien mat nam 2050 hinh anh 3
Miền Tây liên tục có những trận ngập lịch sử trong thời gian qua do các tác động của nước biển dâng, địa hình sụt lún và triều cường đạt đỉnh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng ĐBSCL đang phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, dẫn đến các tác động xấu đến địa hình. Tác động đến từ việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến suy giảm phù sa, đô thị hóa khiến nền đất ngày càng yếu.

Các trận ngập lịch sử liên tiếp ở miền Tây trong thời gian qua là sự cộng hưởng của các yếu tố về nước biển dâng, sụt lún địa hình và triều cường đạt đỉnh.

“Cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực để nhiệt độ Trái Đất không bị tăng quá 2 độ C. Nếu như đạt được điều này, mực nước biển sẽ không thể dâng cao đến 1 m và nguy cơ ngập lụt của các khu vực cũng không trầm trọng như dự báo”, TS Hương nhận định.

Để làm được điều này, đại diện Viện nghiên cứu thuộc Bộ TN&MT cho rằng cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương và phía người dân. Các đơn vị cần có chính sách về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu lượng phát thải ra bầu khí quyển. Khi những yếu tố này được cải thiện và tốc độ sụt lún được giảm thiểu, các kịch bản về ngập lụt đưa ra sẽ khả quan hơn.

Theo kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2016 của Bộ TNMT, đến năm 2100, với khả năng nước biển dâng ở mức cao nhất là 1 m thì khoảng 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; 17,8% diện tích TP.HCM; 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Trong đó, cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao.

Mỹ Hà/Zing News

Đọc nhiều