2
category
408809

25 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Triển vọng lớn sau những thăng trầm

12/07/2020 09:01

25 năm sau khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển toàn diện, mạnh mẽ mở ra triển vọng lớn sau nhiều thăng trầm.

Trước khi có được “thời khắc lịch sử này”, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phải trải qua gần nửa thế kỷ đầy thăng trầm và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng ban đầu cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

Vào tháng 2/1946, trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Giống như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để nền độc lập và mối quan hệ hợp tác này đem lại lợi ích cho toàn thế giới”. Tuy nhiên, thiện chí này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vấp phải “sự im lặng” của Tổng thống Harry Truman vì những toan tính chiến lược của Hoa Kỳ vào thời điểm đó.

“Sự im lặng” này của ông Truman đã đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam vào cuộc chiến kéo dài 20 năm và cũng phải mất từng đó thời gian để biến quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ “từ cựu thù thành hữu nghị” – như lời cố Thượng nghị sỹ John McCain – người từng tham gia vào Chiến tranh Việt Nam và sau này cũng có rất nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Cũng ít ai biết rằng, để có được dấu mốc 12/7/1995, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã phải bắt tay vào việc thúc đẩy lộ trình bình thường hóa quan hệ từ 4 năm trước đó. Tuy nhiên, chặng đường này cũng rất “gập ghềnh và gian lao” xuất phát từ sự khác biệt của hai bên trong nhiều vấn đề.

Thiện chí bình thường hóa quan hệ giữa hai bên liên tục vấp phải sự hoài nghi từ một số nghị sĩ lưỡng đảng Quốc hội Hoa Kỳ và phải đến thời Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, sau những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều chính trị gia và nghị sĩ có tiếng nói quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ như John Kerry, John McCain, Bob Kerrey, Chuck Robb, Pete Peterson… mục tiêu này mới trở thành hiện thực.

Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu được cả hai phía nhận định là “ấn tượng” và “cách đây 25 năm khó ai có thể hình dung được”. Từ chỗ còn dè dặt và mang nhiều nghi kỵ, quan hệ Việt- Hoa Kỳ đã không ngừng được cải thiện theo thời gian và hai nước đã trở thành đối tác toàn diện sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi năm 2013.

Trong suốt thời gian đó, đã có rất nhiều chuyến thăm của các quan chức hàng đầu của hai nước được mở đầu bằng việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher đến thăm Việt Nam vào tháng 8/1995 mở đường cho việc Hoa Kỳ mở Đại sứ quán ở Hà Nội và Việt Nam mở Đại sứ quán ở Washington.

Hai năm sau, ngày 10/4, Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn cho ông Pete Peterson làm Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam và đến ngày 9/5, Đại sứ Lê Văn Bàng trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ và trở thành Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lại có đột phá mới khi ông William Cohen trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam vào tháng 3/2000. Đến tháng 7/2000, Bộ trưởng Bộ thương mại Vũ Khoan ký Hiệp định thương mại Song phương với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky.

Nhân kỷ niệm 25 năm bình thương hóa quan hệ, lãnh đạo hai nước đã trao đổi thư chúc mừng. Trong thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đoạn viết: “Việt Nam tin rằng, với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới”

Thư của Tổng thống Donald Trump khẳng định “Hoa Kỳ duy trì cam kết tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở tầm nhìn chia sẻ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng cũng như tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và luật lệ”.

Đánh giá về bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc cho rằng, mối quan hệ đối tác đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được 3 điểm nhấn quan trọng: “Thứ nhất, với tầm nhìn và quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo hai nước, hai bên đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Thứ hai, hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được một tầm mức mà không ai có thể hình dung cách đây 25 năm, xét từ cả phạm vi và mức độ hợp tác. Không chỉ quan hệ chính trị, ngoại giao, mà các lĩnh vực khác, như kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân, khoa học công nghệ; từ các lĩnh vực song phương, khu vực, cho đến hợp tác trên phạm vi toàn cầu… đều ghi nhận những kết quả vượt bậc.

Quan hệ an ninh – quốc phòng chứng kiến những bước phát triển vững chắc, không chỉ về giải quyết hậu quả chiến tranh, mà còn mở rộng sang tác đào tạo quân y, hợp tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình. Lần đầu tiên, Chính phủ Hoa Kỳ cấp ngân sách qua Bộ Quốc phòng để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh.

Thứ ba, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước mà còn đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật lệ tại Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”.

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, thành tựu lớn nhất trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chính là: “Ngày nay, chúng ta đã gọi nhau là bạn bè và đối tác một cách hoàn toàn chân thành. Phái đoàn Hoa Kỳ có mặt tại đây để hỗ trợ Việt Nam phát triển và thành công. Tôi tin rằng, Hoa Kỳ có lợi ích khi hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng”.

Tuyên bố của Đại sứ Daniel Kritenbrink được minh chứng qua sự phát triển “thần kỳ” trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ mà nói theo lời của chính Đại sứ là “từ chỗ hai bên hầu như không có quan hệ thương mại, đến nay, tổng kim ngạch thương mại của hai bên đã đạt trên 75 tỷ USD/năm”.

Cụ thể, từ thời điểm 3/2/1994 khi Tổng thống Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, thương mại hai chiều mới đạt khoảng 500 triệu USD. Con số này đã tăng lên gấp đôi vào năm 2000.

Quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ chỉ thực sự khởi sắc sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết và có hiệu lực từ 10/12/2001. Kim ngạch thương mại hai nước gia tăng bình quân 20%/năm: năm 2005 là 6,75 tỷ USD, năm 2010 là 18,10 tỷ USD, năm 2015 đạt 41,28 tỷ USD, năm 2019 đạt 75,72 tỷ USD, gấp 75 lần năm 2000.

Sau khi BTA có hiệu lực, Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Tháng 12/2006, Tổng thống George W. Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) mở đường cho hàng loạt công ty hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G, Coca-Cola, PepsiCo; tiếp đó, các tập đoàn Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric… tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2020, năm đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đối tác toàn diện, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song nhiều thông tin cho thấy Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Google và cả Apple.

Hiện tại, tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương; General Electric cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy turbine gió ở Hải Phòng; tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ là AES được cấp phép triển khai dự án khí LNG ở Sơn Hoa Kỳ; các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam…

Việt Nam và Hoa Kỳ từng trải qua một cuộc chiến tranh với những hậu quả nặng nề. Hàng triệu người đã đổ máu và ngã xuống. Đó là cái giá rất đắt, mất mát rất lớn mà nhiều gia đình hai nước phải gánh chịu, đặc biệt di chứng chiến tranh còn để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao đến nay, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh như tìm kiếm quân nhân bị mất tích, rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin…, được coi là một ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước.

Kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, đã có khoảng 150 bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích được phía Việt Nam trao trả cho Hoa Kỳ. Ngược lại, Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức cựu chiến binh, cũng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để cung cấp thông tin về bộ đội Việt Nam mất tích. Đây là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng của hai nước trong nỗ lực không mệt mỏi nhằm hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh và góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước. Đây cũng là điểm sáng và sự khởi đầu tốt đẹp trong quá trình hai nước từ “cựu thù” đến đối tác toàn diện như hiện nay.

Để có những kết quả này, cả hai bên đều phải dũng cảm vượt qua chính mình với sự kiên định trong hành động, sự sáng suốt về trí tuệ và có tầm nhìn chiến lược và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc. Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá cao về sự hợp tác của chúng ta với Hoa Kỳ về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Có thể nói đây là một lĩnh vực hợp tác mà chúng ta rất là tự hào. Chúng ta làm vì lòng nhân đạo, vì trách nhiệm và cũng vì xây dựng lòng tin để tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ”.

Khắc phục hậu quả chiến tranh là một nội dung trọng tâm trong hợp tác quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay. Thời gian qua, ngoài những nỗ lực tìm kiếm quân nhân mất tích, hai bên đã hoàn thành tẩy độc dioxin sân bay Đà Nẵng và bắt đầu triển khai tẩy độc sân bay Biên Hòa, Đồng Nai. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều thống nhất quan điểm cho rằng, đây là một nội dung hợp tác đem lại lợi ích cho cả hai phía cùng với những ưu tiên khác như thương mại, hợp tác an ninh, những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu… Bởi đây không chỉ là vấn đề khắc phục hậu quả của quá khứ mà còn tạo nền tảng lòng tin cho tương lai hợp tác giữa hai bên.

Tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, trong hoàn cảnh đất nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam vẫn tạo điều kiện để lô hàng gồm 450.000 bộ quần áo bảo hộ đã được vận chuyển bằng đường hàng không sang Hoa Kỳ.

Sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo, 450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế được vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam đã tới thành phố Dallas, bang Texas của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh: “Điều này có được là nhờ các đối tác là hai công ty lớn – DuPont và FedEx – và những người bạn ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn!”.

Về phía Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm theo dõi và đối phó với dịch Covid-19 đang lây lan ra toàn thế giới. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng chống dịch Covid-19, kể cả tiến độ nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị.

USAID cũng sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu USD để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam. Khoản hỗ trợ này sẽ được sử dụng để ngay lập tức cung cấp những nguồn lực cần thiết nhất, bao gồm hỗ trợ sự phục hồi của khu vực tư nhân thông qua: tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp; nâng cao năng lực hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu dự kiến tăng mạnh và phối hợp với các bên liên quan của Chính phủ Việt Nam để đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

Đánh giá về nỗ lực hợp tác y tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh: “Tôi có thể tự hào nói rằng, Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ hợp tác y tế lâu dài. Nhóm công tác lớn nhất làm việc trong các phái bộ của Mỹ chính là nhóm công tác về y tế với hơn 100 nhân lực hợp tác cùng các đối tác Việt Nam. Chúng tôi cũng rất tự hào vì hai nước đã cùng chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19”.

Như vậy có thể thấy, không chỉ cùng hợp tác phát triển chính trị, kinh tế, xã hội… Việt Nam – Hoa Kỳ còn tích cực giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Đây cũng chính là minh chứng sinh động nhất cho tinh thần “bạn khi cần mới là bạn thật sự” và tạo ra nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Đó cũng là lý do, khi đề cập đến triển vọng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Đại sứ Daniel Kritenbrink có thể tin tưởng khẳng định: “Thành công của Việt Nam cũng chính là thành công của chúng tôi. Chúng tôi lạc quan về những thành tựu sẽ đạt được trong 25 năm tiếp theo”.

Trần Khánh-Thanh Hà-Phạm Huân/VOV

Đọc nhiều