200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu – thuyền ‘lạ’, chiến thuật quen

29/03/2021 06:07

Sự xuất hiện của hơn 200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu cho thấy “vùng xám” vẫn là chiến thuật căn bản mà Bắc Kinh sử dụng để kiểm soát trái phép các khu vực ở Biển Đông.

Chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh không mới, nhưng nó lại chứng tỏ hiệu quả, đặc biệt với sự tương quan vượt trội về sức mạnh cứng của Bắc Kinh ở khu vực.

Làm rõ hơn về “vùng xám”

“Vùng xám” là một khái niệm do các chiến lược gia người Mỹ đưa ra, dùng để giải thích những bước đi chiến lược về mặt an ninh của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương nói chung, và ở Biển Đông nói riêng.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc thực sự có một chiến lược thống nhất mang đặc trưng của vùng xám hay không? Câu trả lời là có. Điều này có thể được giải thích thông qua cách Trung Quốc quy hoạch chiến lược, đặc biệt là chiến lược quốc phòng, đối ngoại, chính sách phát triển hải quân, hay các bước đi trên thực địa trong suốt những năm qua của Trung Quốc.

200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu – thuyền ‘lạ’, chiến thuật quen

Đầu tiên, có thể xem Trung Quốc là một cường quốc xét lại “có tính toán”.

Thứ nhất, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến Trung Quốc không thể phá vỡ hoàn toàn cấu trúc an ninh truyền thống ở khu vực. Làm như vậy sẽ khiến cho mục tiêu quan trọng của Trung Quốc – một môi trường hoà bình để phát triển – bị đe doạ. Phát triển thịnh vượng trong một môi trường thuận lợi luôn là mục tiêu đối ngoại hàng đầu.

Thứ hai, trong ngắn hạn, bản thân Trung Quốc nhận thấy sức mạnh quân sự của mình, đặc biệt là về hải quân, chưa thể so sánh với Mỹ. Đối đầu trực diện với Mỹ về mặt hải quân sẽ là một lựa chọn chiến lược sai lầm.

Hải quân Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ vẫn dựa trên học thuyết phi đối xứng và phòng thủ chủ động, đi kèm với đó là một chương trình hiện đại hoá tương xứng nhưng đầy tham vọng.

Nói cách khác, Trung Quốc vừa mong muốn dần dần thay thế Mỹ như một cường quốc biển ở Tây Thái Bình Dương, vừa không muốn sự trỗi dậy của mình phá vỡ hệ thống trật tự quốc tế vốn giúp Trung Quốc trở nên thịnh vượng trong 40 năm qua.

Trong tư duy chiến lược của Trung Quốc, hải quân về căn bản mang yếu tố phòng thủ và “bất chiến tự nhiên thành” mới là cách tiếp cận chủ đạo của Bắc Kinh, đặc biệt trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ gai góc.

Biển Đông chính là chiến trường địa chính trị chủ yếu để Trung Quốc vận dụng “vùng xám” như một cách tiếp cận tổng hợp, nhằm giành lấy ưu thế địa chính trị một cách tiệm tiến và giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát.

Nhiều nghiên cứu đề cập đến “chiến lược cải bắp”, trong đó tập trung mô tả vai trò và mối quan hệ giữa hải quân, hải cảnh và lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Hay khái niệm “tam chủng chiến pháp” – khái niệm chính thống gần nhất với “vùng xám” mà Trung Quốc đưa ra – tập trung vào ba mặt trận tâm lý, thông tin và pháp lý để tạo ra một lượng thông tin có lợi, biện minh cho các hành động của Bắc Kinh trên thực địa.

Vì thế, “vùng xám” là một tập hợp các công cụ chính sách rộng lớn hơn rất nhiều. Nó là công cụ cưỡng bức mang tính tiệm tiến, với mục tiêu đạt được các lợi ích về chiến lược mà không để xung đột nóng xảy ra. Đây là một công cụ “khá khó chịu”, nếu xét tới những tính chất đã nêu.

Tàu cá – một lực lượng quan trọng của Trung Quốc

Trong chiến lược vùng xám, lực lượng đắc lực mà Trung Quốc triển khai là đội dân quân biển. Trên thực tế, các phát ngôn chính thức từ Trung Quốc đến nay đều không công nhận hơn 200 tàu cá đang neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu, nằm trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là một phần của lực lượng dân quân biển.

Dân quân biển Trung Quốc được xây dựng như một nhánh riêng biệt của lực lượng vũ trang, là “lực lượng hỗ trợ và dự bị cho quân đội”, theo Sách trắng Quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc.

Lực lượng này có các nhiệm vụ căn bản (1) bảo vệ chủ quyền; (2) tiến hành tuần tra trinh sát; (3) phối hợp với các lực lượng chấp pháp biển; (4) tham gia cứu hộ cứu nạn và (5) hỗ trợ chiến đấu. Những nhiệm vụ này giúp Trung Quốc chiếm ưu thế tại những khu vực tranh chấp.

Trung Quốc đầu tư rất lớn cho lực lượng dân quân biển. Chẳng hạn, dân quân biển ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Bắc Kinh thành lập phi pháp là lực lượng chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng cho các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lực lượng này được trang bị vũ khí cá nhân phù hợp, được sử dụng những con tàu vỏ thép hiện đại, và được trả lương hậu hĩnh.

Từ những năm 2009-2010 tới nay, hầu như tất cả vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia có liên quan đều có sự xuất hiện của dân quân biển, từ quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009, cho tới chiếm giữ bãi cạn Scaborough năm 2012…

Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc những năm gần đây đầu tư rất nhiều tiền của vào hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, với ý muốn tạo được một hệ thống định vị toàn cầu mà không phụ thuộc vào GPS.

Điều này mang hàm ý quan trọng về an ninh quốc phòng, khi Bắc Kinh có thể khép kín, bảo mật, và chủ động hoàn toàn trong quá trình ra quyết định chỉ huy và kiểm soát trên thực địa.

Hầu như tất cả các tàu cá dân sự của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông đều được trang bị Bắc Đẩu. Năng lực liên lạc hai chiều cho phép ngư dân Trung Quốc có thể báo cáo cho chính quyền nếu như họ bắt gặp bất kỳ tàu nước ngoài nào trên biển.

Điều này biến các tàu cá trở thành một cơ sở do thám và trinh sát có độ cơ động cao, với mức độ “phủ sóng” rộng.

Dường như chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng duy trì các hoạt động đánh cá, dĩ nhiên là mang tính dân sự, thường xuyên và liên tục sẽ là công cụ hiệu quả nhất để khẳng định chủ quyền phi pháp.

Theo đó, một số báo cáo cho thấy chính quyền đảo Hải Nam đã tiến hành các dự án nhằm nâng cấp đội tàu đánh cá dân sự, đưa ra các khoản hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, đảm bảo an ninh, và các biện pháp khác.

Điều này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đánh cá tư nhân tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Đây sẽ là bức tường thành đầu tiên để Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát phi pháp trên biển, bên cạnh dân quân biển vũ trang.

ThS. Nguyễn Thế Phương
Khoa Quan hệ Quốc tế – Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM

Đọc nhiều