130115
topics
381203

19 “ông lớn” Việt Nam hụt thu 27.376 tỷ đồng vì dịch Covid-19

07/04/2020 11:05

Doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong quý I giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 7 doanh nghiệp báo lỗ.

Theo báo cáo cập nhật về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) gửi Thủ tướng Chính phủ, dự kiến doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong quý I giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 7 tập đoàn và tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi và lỗ 3.728 tỷ đồng.

Theo Ủy ban này, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, dịch vụ tạm dừng. Đồng thời, do giá dầu giảm, dẫn đến một số DN thuộc Uỷ ban đang phải chịu tác động kép.

19 “ông lớn” thuộc “siêu ủy ban” hụt thu 27.376 tỷ đồng vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.
19 “ông lớn” thuộc “siêu Ủy ban” hụt thu 27.376 tỷ đồng do Covid-19 (Ảnh minh họa: KT)

7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi với tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (lỗ 2.383 tỷ đồng), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (lỗ 572 tỷ đồng), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (lỗ 440 tỷ đồng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines (lỗ 111,3 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (lỗ 97 tỷ đồng), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (lỗ 25 tỷ đồng), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – VNR (lỗ 100 tỷ đồng).

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không hồi phục sẽ có khoảng 8 tập đoàn và tổng công ty thua lỗ với tổng số lỗ lên tới 26.324 tỷ đồng đó là Vietnam Airlines, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

“Trong đó Tổng công ty Hàng không bị thiệt hại nặng nề nhất”, Ủy ban báo cáo. Nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, Vietnam Airlines năm 2020 ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN cũng đang trong bối cảnh khó khăn bậc nhất vì phải đối diện với tác động kép. Ngoài diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, PVN còn bị tác động bởi giá dầu suy giảm nhanh nằm ngoài dự báo do cuộc chiến giá dầu giữa Nga và các nước OPEC xảy ra từ ngày 6/3/2020 .

Nhiều đơn vị trong PVN đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ. Nếu giá dầu thô không được cải thiện thì tổng doanh thu toàn tập đoàn ước giảm 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng và nộp ngân sách từ nguồn thu dầu thô sẽ giảm tương ứng từ 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng.

VEC cũng sẽ lỗ nặng do lưu lượng xe lưu thông đường bộ giảm mạnh, nếu dịch kéo dài đến quý IV thì VEC sẽ lỗ 140 tỷ đồng. VNR cũng u ám do không có khách đi tàu, dự tính cả năm lỗ khoảng 694 tỷ đồng đến 935 tỷ đồng tùy theo thời điểm dịch bệnh kết thúc.

Tình hình của Vinalines cũng khá tệ vì vận tải biển ngưng trệ, vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh. Hệ thống cảng của Vinalines bị ảnh hưởng nặng nề vì tàu không đến cảng, hoặc hủy chuyến… Các hoạt động vận tải, kho bãi giảm sản lượng tới 40%.

Hầu hết các đội tàu không có việc làm nên không có tiền trả nợ, không có tiền để duy trì đội tàu. Nếu dịch kéo dài đến quý IV thì Vinalines ước lỗ 76 tỷ đồng.

Báo cáo với Thủ tướng, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất tới các bộ, ngành liên quan về hỗ trợ thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách cho người lao động. Trong đó, đề nghị giảm thuế xuất khẩu với các mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước.

Ủy ban cũng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cho khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay, không tính lãi phạt trên lãi và gốc trả chậm trong thời gian giao dịch. Đồng thời, được cơ cấu lại nợ, và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho vay vốn lưu động.

Bên cạnh đó, sớm quyết định việc gia hạn thuế, giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp ngân sách khác để doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền.

Sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động./.

VOV

Đọc nhiều