2
category
347290

1,5 năm không được duyệt dự án, EVN báo gấp lên Thủ tướng

02/01/2020 07:42

Dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng chậm được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt chủ trương đầu tư, cho nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo gấp lên Thủ tướng.

Nguồn tin của PV cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng.

EVN cho biết: Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng được dự kiến phát điện vào năm 2025 với công suất 200 MW.

Nhà máy thủy điện Trị An

Việc cung ứng điện đang trở nên rất khó khăn, nhưng nhiều dự án nguồn điện lại chậm trễ.Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án và đã trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2018.

Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp của các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, dự án đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Sau nhiều văn bản giải trình của EVN, ngày 09/10/2019 Tỉnh ủy Đồng Nai đã có văn bản gửi Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại kỳ họp ngày 02/10/2019 về dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, trong đó Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng.

Thế nhưng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, EVN cho biết: Từ khi trình (ngày 23/7/2018) đến thời điểm hiện nay, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án đã được EVN phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tỉnh Đồng Nai giải trình đầy đủ UBND tỉnh Đồng Nai, đáp ứng các quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Chủ trương đầu tư của Dự án chưa được UBND tỉnh Đồng Nai xem xét quyết định.

Để đảm bảo tiến độ dự án và nhiệm vụ cung ứng điện cho toàn hệ thống đến năm 2025, EVN đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Tại cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất điện mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, theo các tính toán của Bộ, khả năng đảm bảo điện cho năm 2020 về cơ bản vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn sẽ xảy ra từ năm 2021 đến năm 2025 với dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh nếu các nhà máy điện đang chậm tiến độ vẫn tiếp tục chậm và không thể hoàn thành, và công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không được triển khai thực chất.

Thứ tưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Khi chúng ta huy động nhiều sản lượng dầu thì tình hình tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì một kWh điện dầu đắt hơn nhiều so với chạy than và càng đắt hơn so với thủy điện.

Lương Bằng/VNN

Đọc nhiều