130115
topics
378759

‘14 ngày vàng’ chống dịch: Hàng hóa không thiếu!

31/03/2020 14:23

Các hệ thống phân phối liên tục đưa hàng hóa lên kệ, tăng thời gian phục vụ, đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách.

Từ ngày 28-3, hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương khác đã tạm ngừng phục vụ để chống dịch COVID-19. Riêng các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo, thực phẩm, nhà thuốc… vẫn hoạt động bình thường.

Hàng hóa dồi dào, giá không biến động lớn

Tại Hà Nội, ghi nhận của PV cho thấy nhu cầu mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm của người dân có tăng lên nhưng không đáng kể. Giá cả về cơ bản không có nhiều biến động.

Bà Nguyễn Thị Yến (58 tuổi, trú Hà Đông) chia sẻ: “Cả nước đang bước vào cao điểm chống dịch COVID-19. Người dân hạn chế ra đường, tập trung đông người nên khi đi chợ tôi cũng mua lượng thực phẩm tăng hơn trước đôi chút để ăn được trong hai, ba ngày. Mọi ngày tôi chỉ mua khoảng nửa ký thịt heo thì nay mua lên 2 kg để đỡ phải đi chợ nhiều lần”.

Cùng với thịt heo, gà, bò, các loại rau củ, đậu phộng, trứng… có thể để được dài ngày cũng được người dân ưu tiên lựa chọn. Giá cả các mặt hàng này cũng vì thế mà nhỉnh lên đôi chút.

Đơn cử như tại chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), giá khoai tây từ 18.000 tăng lên 22.000 đồng/kg, bí xanh tăng từ 14.000 lên 18.000 đồng/kg, bí đỏ từ 8.000 tăng lên 12.000 đồng/kg… Riêng các loại thịt không có biến động.

Ông Đào Văn Đô, Giám đốc Ban quản lý chợ Minh Khai, cho biết ba ngày nay, lượng người mua có tăng lên nhưng không quá biến động. “Giá cả chỉ tăng đôi chút trong vài ngày, sau đó lại giảm xuống như ngày thường. Hàng hóa tại chợ dồi dào, không lo khan hiếm thực phẩm” – ông Đô nhận định.

Ghi nhận tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy lượng thực phẩm, hàng thiết yếu rất dồi dào. Nhưng lượng người dân đi mua sắm vắng vẻ hơn trước. Để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều siêu thị chuẩn bị sẵn nước rửa tay khô, máy đo thân nhiệt. Nhân viên tại siêu thị trang bị dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, kể cả tăng đột biến nhu cầu của người dân, không để xảy ra thiếu hàng, không để địa bàn bị trống hàng, hết hàng trên kệ”.

Hàng hóa trên thị trường khá phong phú, đa dạng. Trong ảnh: Khách đang mua hàng tại Siêu thị Co.opmart. Ảnh: TÚ UYÊN

Thay đổi thói quen đi mua sắm

Khảo sát tại nhiều siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM cho thấy lượng cá, thịt, rau, củ quả… dồi dào và đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt tại các siêu thị như Big C, Co.opmart, Bách Hóa Xanh… lượng hàng hóa luôn đầy kệ.

Cô Kim Phương, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai, cho biết: “Nguồn hàng tại các chợ đầu mối luôn dồi dào nhưng sức mua yếu. Mấy ngày nay lượng thịt heo bán ra không bằng 1/3 so với bình thường bởi các hàng quán lâu nay bỏ mối đã đóng cửa, người dân thì e ngại khi đi chợ”.

Nhiều chợ tại quận Thủ Đức cũng đìu hiu bởi học sinh, sinh viên và người lao động đã về quê. Chị Thanh Tâm, người bán rau củ tại chợ Hiệp Bình, cho hay: “Lâu nay tôi thường bán cho các xóm trọ sinh viên và người lao động, chỉ tầm trưa là bán hết thịt lẫn rau. Nhưng nay ế khách, lấy có 50 kg rau các loại và 30 kg thịt mà có khi bán không hết”. Riêng mặt hàng gạo bán khá chạy. Một tiểu thương bán gạo tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) chia sẻ: “Một số khách mua gạo nhiều hơn bình thường. Có người mua vài chục ký để ăn cả mấy tháng”.

Nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa

Ghi nhận sáng 29-3 tại TP.HCM cho thấy phần lớn các nhà hàng, quán ăn, cà phê… đều tuân thủ nghiêm quy định tạm đóng cửa để phòng, chống dịch. Đặc biệt, nhiều quán từ phục vụ tại chỗ đã chuyển sang bán mang đi.

Tương tự, tại một số chợ truyền thống như Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Hai…, tiểu thương những ngành hàng không thiết yếu như thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… đã tạm đóng cửa. Trong khi đó, những ngành hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, tạp hóa vẫn phục vụ người dân đầy đủ.

Không chỉ ở các khu chợ dân sinh, siêu thị cũng vắng vẻ hơn bình thường dù là cuối tuần. Một nhân viên Siêu thị Co.opmart (quận Thủ Đức) thông tin: Hiện nay phần lớn người tiêu dùng mua hàng qua Internet hoặc đã dự trữ từ trước, do đó tình trạng chung của nhiều siêu thị là vắng khách.

Chị Huỳnh Thị Kim Oanh (quận 3) chia sẻ từ lúc dịch COVID-19 bùng phát và được khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người, chị đã chủ động thay đổi thói quen đi mua sắm. Nếu như trước đây chị đi chợ mỗi ngày thì nay mỗi tuần đi một ngày và mua thức ăn đủ dùng trong một tuần.

“Tôi thường đi chợ vào sáng sớm tầm 5 giờ 30, lúc đó thực phẩm vừa về nên tươi ngon, lại ít người. Còn khi đi siêu thị thay vì buổi tối sẽ rất đông, tôi chọn đi buổi trưa” – chị Oanh nói.

Doanh nghiệp tăng tối đa lượng hàng dự trữ

Là đơn vị chiếm thị phần đáng kể về thịt heo tươi sống và thực phẩm chế biến của TP, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết: Công ty đã dự trữ nguồn hàng đảm bảo sản xuất từ nay đến tết 2021. Bên cạnh đó, mỗi ngày công ty giết mổ hơn 1.000 con heo cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, để dự phòng cho nhu cầu thịt heo tăng đột biến, công ty đang trữ đông gần 2.000 tấn thịt heo và sẽ đưa ra thị trường khi cần thiết.

“Hiện nay, nhu cầu về một số mặt hàng chế biến đóng hộp như thịt, cá, lạp xưởng… tăng 10%-15%. Trước đây tiêu thụ được 220-250 tấn/tháng thì hiện nay đã tăng lên 350-400 tấn/tháng. Vì vậy công ty phải sản xuất ba ca với sản lượng tăng thêm 100 tấn/tháng” – ông An thông tin.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, khẳng định đã tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng khi có nhu cầu dự trữ thực phẩm cả tuần thay vì hai, ba ngày như trước đây.

Cụ thể, với các mặt hàng như gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản… đều được tăng lượng dự trữ lên 2-3 lần. Qua đó vừa đảm bảo sẵn sàng lượng cung lớn, vừa đảm bảo giá tốt để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.

Đại diện Big C cũng thông tin, đơn vị đã đặt hàng tối đa với tất cả nhà cung cấp như rau, củ quả tươi sống với mức dự phòng tăng gấp năm lần ngày thường. Với gạo, mì gói, đồ hộp… có đủ lượng hàng dự phòng trong một tháng rưỡi tính từ đầu tháng 3 để đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn BRG, hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp 300%-500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Nhiều cơ sở kinh doanh chuyển từ bán tại chỗ sang bán mang về. Ảnh: TÚ UYÊN

Cung ứng thường xuyên, liên tục hàng hóa thiết yếu

Trao đổi với PV, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết ngay trong ngày 27-3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối hoạt động, đảm bảo cung ứng thường xuyên, liên tục hàng hóa thiết yếu cho người dân trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, bộ cũng yêu cầu các sở Công Thương hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó nhằm vừa đảm bảo cung ứng liên tục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

“Trong những ngày cuối tuần, nhu cầu mua sắm của người dân có tăng lên nhưng hàng hóa vẫn đáp ứng đủ vì các siêu thị, chợ đầu mối, dân sinh đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng từ trước đó” – ông Đông nói.

Sở Công Thương TP.HCM cũng cho hay đang bám sát diễn biến thị trường và sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục.

Ví dụ, các công ty bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30%-40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối. Chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

PLO

Đọc nhiều