13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn chỉ chứa túi ni lông đựng đất đá
Khi khai quật mộ, để xét nghiệm ADN, thân nhân nhiều gia đình liệt sĩ ở Bắc Kạn bàng hoàng khi không thấy hài cốt, mà chỉ là các túi ni lông đựng đất đá.
Từ mộ thật thành mộ giả “vô danh”
Theo lời bà Định Thị Loan, con gái liệt sĩ Định Xuân Dong, cách đây 51 năm, vào ngày 9.8.1968, trong khi đang làm nhiệm vụ tại đập nước Tân Minh thuộc xã Thanh Vận, H.Chợ Mới (Bắc Kạn), đập bất ngờ bị vỡ, 13 thanh niên xung phong (TNXP) đơn vị C933 hy sinh.
Sau 3 lần quy tập, hài cốt của 13 chiến sĩ TNXP đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn. “Hồi đầu trên mộ liệt sĩ có ghi TNXP C933, N92 thanh vận. Sau này, chúng tôi lại thấy ghi mộ liệt sĩ không xác định được danh tính. Từ năm 2008, gia đình đã có nguyện vọng tìm lại hài cốt của bố tôi, nhưng mãi đến năm 2019, Sở LĐ-TB-XH và Hội Cựu TNXP mới gọi xuống khai hồ sơ làm thủ tục xét nghiệm ADN. Gia đình tôi và thân nhân của các liệt sĩ xúc động, chờ mong đến ngày nhận lại hài cốt của người thân”, bà Loan nói.
Ngày 23.11.2019, Sở LĐ-TB-XH Bắc Kạn đã khai quật phần mộ của 13 TNXP để giám định ADN. Thân nhân các gia đình cũng được mời đến nghĩa trang Bắc Kạn để lấy mẫu so sánh, làm xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, khi khai quật các phần mộ, tất cả những người chứng kiến đều ngỡ ngàng. Ông Hà Văn Năm, thân nhân liệt sĩ Hà Thị Sầm, bức xúc: “Bên trong các mộ không có hài cốt, tiểu sành cũng không, chỉ có mỗi chiếc túi ni lông đựng đất đá. Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Bắc Kạn nói có thể hài cốt để lâu hóa thành đất, nhưng hài cốt con người không thể hóa đá, trong khi ngôi mộ thứ 14 của một liệt sĩ hy sinh cùng năm 1968 vẫn còn nguyên vẹn. Giải thích của những người có trách nhiệm càng khiến chúng tôi đau lòng”.
Ông Đồng Văn Quỳnh, em trai liệt sĩ Đồng Thị Sâm, bày tỏ: “Hàng bao nhiêu năm nay, ngày giỗ, ngày lễ tết, gia đình chúng tôi đi thắp hương, viếng mộ hóa ra là viếng mộ giả. Đến mộ liệt sĩ mà họ giả mạo được để trục lợi hay vì tắc trách?”.
Theo thân nhân các gia đình liệt sĩ, những lần cất bốc trước, các gia đình không được tham gia, chỉ sau khi chuyển về nghĩa trang mới, các gia đình mới biết. “Chúng tôi đã quay trở lại nơi chôn cất ban đầu, đồng đội của bố tôi đều nói khi chôn đều được an táng và ghi tên tuổi trên mộ. Chúng tôi mong muốn Sở LĐ-TB-XH Bắc Kạn trả lời để trả lại tên cho hài cốt các liệt sĩ. Tuy nhiên, đến nay sự việc đã hơn 1 tháng, nhưng Sở vẫn chưa có câu trả lời”, bà Định Thị Loan mong mỏi.
Chưa tìm ra nguyên nhân vì không có hồ sơ
Sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, ngày 3.12, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) và Sở LĐ-TB-XH Bắc Kạn, yêu cầu kiểm tra và báo cáo sự việc này trước 16 giờ ngày 4.12.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều qua 4.12, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục Người có công, cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Bắc Kạn. Cũng theo lãnh đạo Cục Người có công, khi quy tập, chuyển đổi mộ hài cốt đều phải có tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc, thậm chí với các liệt sĩ phải tổ chức trang trọng hơn những người bình thường, không thể làm qua loa.
“Hiện tỉnh Bắc Kạn đã lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, rà soát vụ việc. Do các liệt sĩ hy sinh hơn 50 năm và chuyển qua 3 nghĩa trang nên chưa thể có thông tin nhanh được. Chúng tôi cũng yêu cầu địa phương cần kiểm tra, làm rõ quy trình cất bốc, chuyển nghĩa trang có bàn giao, kiểm trả hay không, để nhanh chóng có câu trả lời cho các gia đình thân nhân liệt sĩ”, ông Kiên nói.
Liên quan đến vụ việc, ngày 4.12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Kạn gấp rút họp bàn, làm rõ nguyên nhân của vụ việc; đồng thời dẫn đầu đoàn công tác về xã Thanh Vận tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, do việc quy tập xảy ra đã lâu, hồ sơ quy tập đã thất lạc nên phải tiến hành lần tìm từng khâu một.
Giải thích lý do chưa tìm ra nguyên nhân, ông Đồng Phúc Hình, Phó giám đốc thường trực Sở LĐ-TB-XH Bắc Kạn, cho rằng việc quy tập các mộ liệt sĩ được tiến hành nhiều lần. Trải qua 2 lần di chuyển từ các nghĩa trang cuối cùng mới được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm hồ sơ để có thông tin chính thức. Do không có hồ sơ nên việc thu thập thông tin cần có thời gian, Sở cũng đã có văn bản xin gia hạn thời gian báo cáo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH”, ông Hình nói.
(Theo Thanh Niên)