122 bí thư được bầu trực tiếp tại đại hội
Ban Tổ chức Trung ương vừa có báo cáo tổng hợp kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025.
Diễn ra từ tháng 5, đến nay đã có 1.298/1.311 đảng bộ hoàn thành đại hội cấp trên cơ sở (chiếm 99%). Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội được xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên phù hợp tình hình thực tế.
Việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa mới trong quy hoạch, bảo đảm số dư theo quy định, giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy so với nhiệm kỳ trước; gắn với nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết quả bầu cử tại các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025:
Tổng ủy viên bầu được là 36.954 người: tái cử 27.690 (chiếm 74,9%); tham gia lần đầu 9.264 (25,1%).
Tổng ủy viên ban thường vụ bầu được là 11.071 người: tái cử 8.477 (chiếm 76,6%); tham gia lần đầu 2.594 (23,4%); nữ 1.459 (13,2%); dưới 40 tuổi 942 (8,5%); cán bộ người dân tộc thiểu số 1.208 (10,9%).
Tổng bí thư cấp ủy bầu được là 1.141 người: tái cử 926 (chiếm 81,2%); tham gia lần đầu 215 (18,8%); nữ 91 (8,0%); dưới 40 tuổi 47 (4,1%); cán bộ người dân tộc thiểu số 86 (7,5%); tuổi trung bình 48,9.
Có 456 bí thư không phải người địa phương (40,0%); 122 người được bầu trực tiếp tại đại hội; 40 đảng bộ chưa bầu bí thư.
Tổng phó bí thư cấp ủy bầu được là 2.054 người: tái cử 1.513 (chiếm 73,7%); tham gia lần đầu 541 (26,3%); nữ 177 (8,62%); dưới 40 tuổi 121 (5,9%); cán bộ người dân tộc thiểu số 222 (10,8%); số bầu thiếu so với phương án nhân sự 111 (5,2%); tuổi trung bình là 49,1.Một số tỉnh ủy đã chỉ đạo 100% đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở bầu trực tiếp bí thư cấp ủy như: Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Tĩnh…
Các địa phương đã tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch; chủ động bố trí, phân công điều động, luân chuyển cán bộ trước đại hội. Một số nơi đã chủ động trong việc bầu thiếu cấp ủy để điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ sau đại hội.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội và những vấn đề vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị được tập trung chỉ đạo; rà soát, thẩm định, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự giới thiệu tham gia cấp ủy theo Quy định 126 của Bộ Chính trị.
Theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác nhân sự nhìn chung đã được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch.
Việc bầu cử tại đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử. Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng đề án, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, dưới 40 tuổi nói chung vượt yêu cầu Chỉ thị 35 đề ra.
Hầu hết các đại hội bầu một lần đủ số lượng cấp ủy và đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Các nhân sự trúng cử đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, hầu hết trong quy hoạch; trình độ lý luận chính trị, chuyên môn so với nhiệm kỳ trước được nâng lên.
Các đại hội đều thực hiện việc lấy phiếu giới thiệu của đại hội về nhân sự bí thư cấp ủy trước khi bầu bí thư cấp ủy theo quy định.
Việc thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy được quan tâm chỉ đạo mở rộng so với nhiệm kỳ trước.
Các bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều trường hợp đạt 100% như: Móng Cái (Quảng Ninh), Can Lộc (Hà Tĩnh), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phong Điền (Cần Thơ), Hồng Dân (Bạc Liêu),….
Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương được quan tâm đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.
Có biểu hiện lạm dụng chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có một số bí thư, phó bí thư các cấp ủy (Quốc Oai Hà Nội, Tây Giang Quảng Nam, Tân Hưng Long An, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị Quảng Trị, Tổng Công ty Đông Bắc Bộ Quốc phòng) tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc bí thư, phó bí thư.
Một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội, gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như: Thành ủy Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Huyện ủy Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ, còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn; có nơi còn biểu hiện chủ quan, cục bộ, vận động, gượng ép, giới thiệu nhân sự chưa thực sự có tín nhiệm cao…
Một số bài học kinh nghiệm qua đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, trong đó phải bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong công tác nhân sự đại hội theo phương châm “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”.
Cùng với đó chủ động nắm chắc tình hình nhân sự, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Khi xử lý các tình huống phát sinh, nhất là trong công tác nhân sự, bầu cử phải luôn giữ vững và thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo phương châm đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, xem xét, xử lý từng vấn đề độc lập trong tổng thể vướng mắc, làm đến đâu gọn đến đó.
“Kiên quyết không vì khó khăn trước mắt mà để xảy ra tình trạng lấy sai để sửa sai”, Ban Tổ chức Trung ương lưu ý.
Thu Hằng/VNN