110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước: Dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với lịch sử

02/06/2021 06:07

Cuộc ra đi vào năm 1911 của Người đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với lịch sử dân tộc; mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. 

Không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, cảnh nhân dân lao động bị bóc lột tàn bạo dưới bàn tay của thực dân và phong kiến; với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng, quyết chí ra đi tìm con đường để giải phóng, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh tư liệu)
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh tư liệu) 

Sự nghiệp cách mạng của Bác có thể tóm gọn trong 3 từ

Theo PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, “xét đến cùng thì sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ có thể tóm gọn lại trong 3 từ “vì con người”. Bác ra đi để tìm đường cứu nước, cứu dân và mục tiêu là hướng đến con đường độc lập dân tộc, CNXH, thực hiện khát vọng giải phóng triệt để như thế là xuất phát từ con người. Đây cũng là một trong những giá trị quý báu trong tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh: Lựa chọn giá trị sống vì nước, vì dân.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức mới đây, ôn lại cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một lần nữa nhắc lại mong muốn của Bác đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cả cuộc đời Người chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giá trị tư tưởng vì nước, vì dân của Người còn được thể hiện ở sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng tại Hội thảo quốc gia Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và CNXH (Ảnh: Thi Uyên)

Bởi theo Người, “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Xuất phát từ thực tiễn đất nước, Người quan niệm CNXH không chỉ có những đặc trưng tổng quát thể hiện tính ưu việt của một chế độ mới, hơn hẳn so với các chế độ xã hội trước, mà còn mang những đặc trưng riêng có của Việt Nam, được xây dựng sáng tạo theo cách của Việt Nam. Đó là con đường “nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”; là “làm sao cho dân giàu nước mạnh”, “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”; “là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”.

Trong những điều phải làm để xây dựng CNXH, Người yêu cầu phải thực hiện 4 việc: Làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở và có học hành.

“Tư tưởng “vì dân” của Người được diễn đạt dung dị, dễ hiểu, có ý nghĩa hết sức sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhắc nhở chúng ta yêu cầu phải hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, của Việt Nam và do con người Việt Nam thực hiện”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Không cớ gì thay đổi con đường mà Bác và dân tộc lựa chọn

Cuộc ra đi vào năm 1911 của Người đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với lịch sử của cả dân tộc; đã mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong cuộc ra đi ấy, Người không chỉ mang khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân mà khi tiếp cận được với ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người còn tìm thấy khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, vững bước trên con đường mà Người đã vạch ra cho cách mạng Việt Nam, có thể nói, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được trong 35 năm qua là minh chứng sinh động, hùng hồn khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại. Những thành tựu ấy cũng khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện mô hình CNXH và con đường lên CNXH của Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn dân tộc và xu thế thời đại, kế thừa tinh hoa, giá trị văn hoá và các thành tựu phát triển của nhân loại, như lúc sinh thời Người đã làm và mong muốn.

Vào đúng dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề CNXH và con đường lên CNXH ở Việt Nam được công bố, một lần nữa khẳng định rõ ràng con đường tất yếu đi lên CNXH của dân tộc Việt Nam, không phải là ý muốn chủ quan của một cá nhân hay một nhóm người mà con đường này chính là sự lựa chọn đầu tiên của Bác Hồ, và sau đó trở thành sự lựa chọn của Đảng và dân tộc Việt Nam. Lựa chọn ấy đã được minh chứng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Lý Việt Quang (Ảnh: dangcongsan.vn)
PGS.TS Lý Việt Quang (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo PGS.TS Lý Việt Quang, con đường của chúng ta hiện nay đã được dân tộc lựa chọn thì không có can cớ gì để thay đổi, mà phải tiếp tục đi lên và hoàn thiện nó, làm cho con đường đó ngày càng sáng tỏ hơn để đạt tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Vì thế, theo Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, “để thực hiện được điều đó, một điều hết sức quan trọng là tất cả mọi chủ trương chính sách phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm thước đo cho những chủ trương chính sách đó, có đúng, hoàn thiện hay không, nó mạng lại hiệu quả, lợi ích ra sao đối với nhân dân. Đây cũng là chân lý mà sinh thời Bác đúc kết: những gì mang lại lợi ích cho Tổ quốc, dân tộc là chân lý; trái với lợi ích của dân tộc thì không phải chân lý”.

Thanh Hà/ VOV

Đọc nhiều