10 sự kiện ngoại giao nổi bật 2023
Năm 2023, ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước đã “trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong kết quả, thành tựu chung của đất nước”, như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 diễn ra giữa tháng 12 vừa qua.
Đối ngoại đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là niềm tự hào, tiếp thêm động lực và niềm tin cho công tác đối ngoại thời gian tới.
Năm qua, hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, nhờ đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài.
Khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.
Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Cùng Cánh Cò nhìn lại những sự kiện đối ngoại đã làm nên dấu ấn của Việt Nam trong năm 2023.
1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 12-13/12, hai nước thành lập cộng đồng chia sẻ tương lai.
Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại… Hai bên nhất trí cho rằng, phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Việt Nam là 1 trong chỉ có 4 nước mà Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm trong năm 2023, thể hiện sự coi trọng đặc biệt với mối quan hệ song phương.
2, Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden ngày 10 -11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.
3, Thành công của ngoại giao đa phương: Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 77 (9/2022-9/2023), tham gia vào quá trình đề xuất, hoạch định những quyết định quan trọng của thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam đã chủ trì một số phiên Đại Hội đồng thảo luận và thông qua nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Hiệp định về Biển cả, các nghị quyết tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh; tiếp tục có nhiều đóng góp ý nghĩa trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2023-2027), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Di sản Phi Vật thể (2022-2026)…
Trong quá trình đảm nhiệm, triển khai các trọng trách đó, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột: hòa bình an ninh, phát triển và quyền con người.
4, Năm 2023, ngoại giao Việt Nam sôi động với nhiều đoàn cấp cao đến và đi, trong đó các nguyên thủ của quốc gia, trên các châu lục, địa bàn chiến lược. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 15 đoàn ra của lãnh đạo cấp cao, tiêu biểu như Chủ tịch nước thăm Lào, Nhật Bản, Áo, Italy, Tòa thánh Vatican. Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Lào, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, thăm làm việc tại Saudi Arabia và dự COP28 tại UAE. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cuba, Argentina, Iran, Bangladesh, Bulgaria, Thái Lan…
Ở chiều ngược lại, có khoảng 23 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế đến thăm Việt Nam, tiêu biểu là các chuyến thăm của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko, Phó Chủ tịch Hội đôn An ninh Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Quốc hội Cuba Estenban Lazo Hernandez, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương…
Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước để kỷ niệm 30, 40, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Qua đó, đánh giá kết quả, định hướng phát triển quan hệ hiệu quả thiết thực hơn.
Các hoạt động này cho thấy, các nước hợp tác, phát triển quan hệ vì vị trí địa chiến lược, vị thế, uy tín quốc tế Việt Nam ngày càng tăng; lịch sử, truyền thống; sự ổn định chính trị, xã hội và tiềm năng phát triển…
5, Lần đầu tiên có Đại diện Thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Hôm 23/12, Tòa thánh Vatican công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm vào vị trí này. Đây là kết quả của quá trình trao đổi gặp gỡ tích cực kéo dài 14 năm với 10 phiên họp giữa hai bên, nhất là từ khi thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican. Kể từ đó đã có nhiều tiếp xúc, trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Tòa thánh, mà gần đây nhất là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Châu Âu tháng 7/2023.
Việc lần đầu tiên Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Việt Nam là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình nâng cấp quan hệ hai bên, thể hiện sự nỗ lực, thiện chí, trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Mối quan hệ ấy được thực hiện có lộ trình phù hợp, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia, cũng như tình hình thực tế quan hệ hai bên.
Điều này cũng thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta là tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo, góp phần mở ra cơ hội thuận lợi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong hội nhập sâu rộng với Công giáo thế giới.
6/ Nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tuyên bố được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước ngày 27/11, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Quan hệ Việt – Nhật vốn được hai bên đánh giá đang ở thời khắc tốt đẹp nhất trong lịch sử, với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng hết sức rộng mở,
Việc nâng cấp quan hệ sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Như vậy Việt Nam đã thiết lập mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng khắp, trọng tâm là 33 “điểm nút” là các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện.
7, Ngoại giao kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân như vấn đề đại dịch, vấn đề chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Ngoại giao kinh tế cũng góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, hợp tác, huy động nguồn lực to lớn để phát triển đất nước.
Năm 2023 xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút được lượng FDI tăng gần 15%, tiếp cận được nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua. Việt Nam cũng đã kyhs 16 hIệp định thương mại tự do với khoảng 60 nước tham gia.
8, Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Thế giới. Đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự hội nghị của LHQ về khí hậu COP28. Tại đây, Việt Nam cùng với nhóm các nước gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG) đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD JETP trong vòng 3 – 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam đàm phán các khoản vay, các khoản đóng góp cụ thể để khoản 15,5 tỷ USD này giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và dùng nó như đòn bẩy huy động các nguồn lực tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, với việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ, Mỹ ủng hộ phát triển nhanh chóng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu, hai bên đã việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
Trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, đã có một số thỏa thuận được ký kết trong lĩnh vực này, một số lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, tiêu biểu là chuyến thăm của Jensen Huang, CEO Nvidia – nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ. Các nhà đầu tư công nghệ cao từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu cũng rất quan tâm đến Việt Nam.
9, Khoảng 1.000 người Việt bị đưa sang làm việc tại các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar sau đó bị kẹt trong vùng chiến sự bùng phát ở phía bắc nước này đã được cấp hộ chiếu và ít nhất 800 người đã được đưa về nước. Năm qua công tác người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều chuyển biến vượt bậc, công tác bảo hộ công dân được chú trọng.
Tại những địa bàn xảy ra xung đột như Ucraina, Israel hay ở những địa bàn xảy ra thiên tai nặng nề như Thổ Nhĩ Kỳ…, các CQĐD phối hợp cùng các hội đoàn người Việt sở tại đã tích cực, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng, thực sự trở thành “điểm tựa” cho bà con trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Ngoài ra, các CQĐD thường xuyên trao đổi với chính quyền sở tại đề nghị tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính bà con, vai trò, vị thế của kiều bào ở sở tại ngày càng được củng cố và nâng cao. Sau Cộng hòa Séc, tháng 6/2023, Chính phủ Slovakia đã công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này, khẳng định sự hội nhập thành công và những đóng góp của cộng đồng ta đối với sự phát triển của Slovakia.
10, Lần đầu tiên cử lực lượng lớn cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài Việt Nam. Ngày 6/2/2023, đã xảy ra trận động đất với cường độ lên tới 7,8 độ richter, lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương. Đáp lại lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ về sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam lần đầu tiên cử một lực lượng lớn gồm 76 đồng chí của Bộ Quốc phòng và 24 đồng chí của Bộ Công an tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ.
Các đoàn cứu hộ đã phối hợp với địa phương tìm kiếm tại hàng chục địa điểm, tìm và đưa được hàng chục nạn nhân thiệt mạng ra ngoài, cứu được 1 người còn sống; cấp phát thuốc, chia sẻ, hỗ trợ người dân và lực lượng chức năng của phía bạn mua lương thực, thực phẩm, trao tặng 25 tấn hàng hóa cứu trợ gồm lương khô, gạo, sữa, nhu yếu phẩm và một số trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, điều trị.
Cùng với lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam, các đoàn cứu hộ này tiếp tục cho thấy Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng vũ trang Việt Nam, kể cả khi tác chiến tại địa bàn xa xôi, nhiều khó khăn, chưa có tiền lệ; truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, nghĩa tình, nhân đạo, đoàn kết quốc tế cao cả.
Bích Vân