10 sự kiện định hình thế giới năm 2023

Bảo Trâm 27/12/2023 08:28

2023 là một năm đầy biến cố với những trận động đất thảm khốc và hai cuộc xung đột gây tác động toàn cầu, trong khi nền kinh tế thế giới phục hồi yếu sau đại dịch, thử thách khả năng xoay xở của các quốc gia.

Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm nay do báo Tiền Phong bình chọn:

1. Bùng nổ xung đột Israel – Hamas

Tình hình Trung Đông cho đến cuối tháng 9/2023 có vẻ đầy hứa hẹn, khi Israel và Ả-rập Xê-út chuẩn bị ký thỏa thuận để chấm dứt thù địch và thiết lập quan hệ ngoại giao, trong khi thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen được thực hiện nghiêm túc. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá: “Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ trước”.

Chỉ 8 ngày sau phát biểu đó, lực lượng Hamas bất ngờ tấn công miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt làm con tin. Sau thất bại mất mặt ngày 7/10, Israel mở chiến dịch tấn công vào Dải Gaza và thề quét sạch Hamas. Chiến dịch tấn công trên bộ và trên không của Israel vào vùng đất hẹp bị phong tỏa khiến ít nhất 20.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có hàng ngàn phụ nữ và em, theo thống kê của cơ quan y tế Dải Gaza.

Thương vong quá lớn và thảm hoạ nhân đạo kéo dài ở Dải Gaza khiến nhiều quốc gia trên thế giới chỉ trích Israel gay gắt, thậm chí tẩy chay. Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu ủng hộ mạnh mẽ quyền trả đũa của Israel, nhưng sau đó liên tục thúc giục đồng minh làm nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường. Vì ủng hộ Israel về ngoại giao và quân sự nên Washington cũng rơi vào thế bị cô lập ở Liên Hợp Quốc. Đến nay vẫn chưa rõ cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó.

2. Chiến dịch phản công của Ukraine thất bại

Đầu năm 2023, Ukraine và các đồng minh hy vọng chiến dịch phản công của Ukraine có thể phá vỡ sự kiểm soát của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine, thậm chí tiến xuống cả bán đảo Crimea mà Mátxcơva sáp nhập từ năm 2014.

Cuộc phản công bắt đầu vào đầu tháng 6, dù gây tổn thất đáng kể cho lực lượng Nga nhưng không đủ để tạo nên đột phá. Trong khi đó, hiện tượng “mệt mỏi với Ukraine” bắt đầu xuất hiện ở phương Tây sau 2 năm chiến tranh. Tại Mỹ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cứng rắn chặn đề xuất của chính quyền Tổng thống Joe Biden về viện trợ bổ sung cho Ukraine. Trong những ngày cuối cùng của năm, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu thậm chí đã tính đến tác động của khả năng Ukraine sẽ thua trên chiến trường và Nga chiến thắng, hoặc nguy cơ chiến tranh sẽ kéo dài nhiều năm nữa.

3. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Hơn 67.000 người thiệt mạng sau trận động đất mạnh 7,8 độ làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và vùng tây bắc nước láng giềng Syria vào sáng sớm 6/2. Chỉ riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 50.000 tòa nhà bị phá hủy hoặc phải phá bỏ. Đây được đánh giá là trận động đất lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939 và cũng là một trong những trận động đất mạnh nhất trên thế giới.

4. Căng thẳng Mỹ – Trung giảm nhiệt

Đầu năm 2023, căng thẳng Mỹ-Trung có vẻ giảm nhiệt, sau khi lãnh đạo hai nước có cuộc gặp trực tiếp bên lề thượng đỉnh G20 tại Bali cuối năm 2022. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thăm Bắc Kinh vào tháng 2, nhưng bất ngờ một khinh khí cầu Trung Quốc bị phát hiện trên vùng trời Mỹ. Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng phương tiện này để do thám, nhưng Trung Quốc bác bỏ. Chiếc khinh khí cầu trôi dạt suốt 1 tuần trước khi Không quân Mỹ điều tiêm kích F-22 Raptor bắn hạ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 11/2023 ở San Francisco. Ảnh: Xinhua

Sự việc khiến quan hệ hai bên căng thẳng trở lại, và ông Blinken phải hoãn chuyến thăm. Sau nhiều nỗ lực, lãnh đạo hai nước có cuộc gặp thượng đỉnh nhân Diễn đàn cấp cao APEC vào tháng 11 ở San Francisco. Các quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tổ chức một cuộc họp trực tuyến ngày 21/12, cuộc đối thoại đầu tiên sau hơn một năm đóng băng. Căng thẳng hai bên đến nay có vẻ hạ nhiệt, dù Washington vẫn tiếp tục nỗ lực hạn chế Bắc Kinh về thương mại và tiếp cận công nghệ cao, đồng thời tiếp tục ủng hộ đồng minh Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông và bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

5. Kinh tế thế giới phục hồi chậm

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9% năm 2023, thấp hơn mức 3,3% của năm ngoái, và sẽ chỉ đạt khoảng 2,7% trong năm 2024.

Tình hình kinh tế năm qua chịu tác động lớn của những cơn “địa chấn” từ sự sụp đổ của các ngân hàng như Thung lũng Silicon, Signature, First Republic của Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sĩ, cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng và xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Ngân hàng trung ương nhiều nước phải tính toán giữa việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và tạm dừng tăng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

6. BRICS mở rộng

Cuối tháng 8, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, một liên minh không chính thức giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tuyên bố sẽ mở rộng để kết nạp thêm 6 quốc gia (Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và UAE) trong tương lai gần.

Bước đi này sẽ tạo nên một tập hợp lỏng lẻo các quốc gia chiếm khoảng 30% GDP và 43% sản lượng dầu toàn cầu, và có thể tiếp tục mở rộng trong dài hạn. Tầm nhìn của BRICS không chỉ là ngày càng mở rộng để đối trọng với phương Tây, mà còn tạo ra một đồng tiền chung để giảm bớt vai trò thống trị của đô la Mỹ.

7. Cuộc đua vũ trụ nóng hơn

Các cường quốc và nhiều hãng tư nhân đang tích cực chạy đua vào không gian. Đến nay đã có 77 quốc gia có cơ quan không gian vũ trụ, 16 quốc gia có thể đưa hàng vào vũ trụ. Mặt trăng được quan tâm nhiều hơn cả.

Nỗ lực của Nga nhằm chinh phục Hằng Nga thất bại, khi tàu đổ bộ của Mátxcơva đâm vào bề mặt Mặt trăng trong tháng 8. Ít ngày sau, Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu đáp xuống vùng cực nam của Mặt trăng. Hai tuần sau, Ấn Độ khởi động sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.

Trung Quốc và Mỹ cũng đề ra chương trình Mặt trăng đầy tham vọng. NASA đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025, còn Bắc Kinh đẩy mạnh triển khai kế hoạch tham vọng nhằm đưa phi hành gia lên Mặt trăng trong thập kỷ này và xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên đó. Các hãng tư nhân như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đóng vai trò lớn trong các hoạt động phóng tàu và vệ tinh lên vũ trụ.

Cuộc chạy đua ngày càng nóng làm dấy lên lo ngại rằng cạnh tranh địa chính trị sẽ dẫn đến tình trạng quân sự hóa không gian, trong khi vẫn thiếu quy tắc quản lý các hoạt động trong không gian vũ trụ.

8. Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều hứa hẹn và nỗi lo

AI phát triển vượt bậc trong năm 2022 với sự ra đời của ChatGPT. Năm 2023, ChatGPT mạnh hơn 10 lần và các chính phủ, công ty và cá nhân đã nhanh chóng khai thác tiềm năng của nó. Điều đó dẫn đến những tranh luận sôi nổi rằng liệu AI đang dẫn lối vào một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người hay mở ra chiếc hộp Pandora của một tương lai đầy ác mộng.

Những người lạc quan tin rằng AI đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, cho phép điều chế thuốc nhanh chóng, giải mã những bí ẩn y học và giải quyết các câu hỏi toán học hóc búa. Những người bi quan cảnh báo rằng công nghệ này đang phát triển nhanh hơn khả năng đánh giá và giảm thiểu tác hại mà nó có thể gây ra, gây thất nghiệp hàng loạt và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội.

Geoffrey Hinton, một trong những người tiên phong về AI, đã nghỉ việc tại Google để cảnh báo về mối nguy hiểm của nó. Những người tiên phong về công nghệ như Elon Musk và Steve Wozniak đã ký một bức thư ngỏ cảnh báo rằng AI gây ra “rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”.

9. Nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục, COP28 đạt thỏa thuận lịch sử

Ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các bên cũng cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu cho đến năm 2030.

10. Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc

Trong thế kỷ qua, thậm chí lâu hơn, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng điều đó đã kết thúc trong năm 2023, khi dân số Ấn Độ ước tính có 1,4286 tỷ người, còn Trung Quốc có 1,4257 tỷ dân, theo thống kê của Liên Hợp Quốc.

Các chuyên gia nhân khẩu dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm 100 triệu người vào giữa thế kỷ này, trong khi Ấn Độ sẽ tăng lên 1,7 tỷ. Dân số trẻ hơn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc Ấn Độ vượt Trung Quốc về dân số có thể dẫn đến thay đổi trong cán cân quyền lực ở châu Á.

Bảo Trâm

Đọc nhiều