8
category
596697

10 mẹo giúp bạn ăn ngon hơn, sớm hồi phục đối với F0 bị mất vị giác

17/03/2022 21:03

Mất vị giác có thể xảy ra tạm thời hoặc kéo dài với F0. Hiện tượng này có thể dẫn đến chán ăn, suy dinh dưỡng…

Gần đây, hiện tượng mất vị giác đang trở nên phổ biến do số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng gia tăng. Trong thực tế, mất vị giác – khứu giác là triệu chứng COVID-19 thường gặp đứng hàng thứ 4 với tỉ lệ mắc xấp xỉ 20 – 30%, theo một bài viết trên chuyên trang y tế Healthline.

Mất vị giác cũng có thể xảy ra do tuổi tác, tác dụng phụ của thuốc hay hậu quả để lại sau đợt hóa trị liệu, đột quỵ, chấn thương sọ não, các vấn đề thần kinh và các tình trạng sức khỏe khác.

Sau đây là 10 lời khuyên giúp người bị mất vị giác ăn ngon hơn.

1. Chú ý vào các giác quan khác

Khi ăn, hãy thử tập trung vào những giác quan khác. Ví dụ, bạn hãy dành nhiều thời gian để quan sát món ăn, chú ý đến màu sắc, hình ảnh xuất hiện trước mắt. Bạn cũng có thể trang trí cho bữa ăn trông bắt mắt hơn với nhiều màu sắc và kiểu cách khác nhau.

Khi nhai, hãy thử nhai chậm lại để cảm nhận rõ hơn độ mềm, cứng và cả âm thanh khi ăn các món ăn. Bổ sung những món ăn giòn tan cũng là một cách hay để kích thích giác quan qua âm thanh và cảm giác.

Nếu bạn chưa mất khứu giác, hãy thêm nhiều loại gia vị và các nguyên liệu tạo mùi hương vào bữa ăn. Bằng cách này, tâm trạng ăn uống của bạn sẽ được cải thiện vì mùi hương sẽ gợi nhớ ký ức về vị của các món ăn đó.

Cuối cùng, cố gắng tìm niềm vui trong những giai đoạn khác nhau của quá trình nấu nướng, chẳng hạn như dành thời gian trang trí bữa ăn thật thu hút, thử nhiều công thức nấu ăn mới và tận hưởng sự vui vẻ khi ăn uống bên cạnh gia đình và người thân.

2. Trải nghiệm nhiều loại thức ăn khác nhau

Một số người không mất vị giác hoàn toàn mà vẫn cảm nhận được vị của những thực phẩm nhất định. Ảnh: iStock.

Một số người không mất vị giác hoàn toàn mà vẫn cảm nhận được vị của những thực phẩm nhất định. Hãy thử các loại đồ ăn khác nhau và xác định xem vị giác của bạn sẽ hoạt động tốt hơn khi ăn loại thức ăn nào để cải thiện chức năng này.

Ngoài ra, một số loại thức ăn có vị chua và ngọt sẽ tăng kích thích vị giác.

Đây có vẻ là một dịp tốt để bổ sung những thực phẩm dinh dưỡng mà bạn vốn không thích ăn. Ví dụ như đối với một loại rau củ mà bạn ghét thì đây là cơ hội để ăn mà không bị làm phiền bởi mùi vị làm bạn khó chịu.

Đối với vài người, họ thích chọn những món thanh đạm để không phải thất vọng trong trường hợp không cảm nhận được vị của các món ăn đậm đà. Do đó, bạn nên trải nghiệm để biết được món ăn như thế nào là phù hợp nhất đối với mình.

3. Ăn những gì bạn thích

Bên cạnh một chế độ ăn phù hợp, niềm vui trong ăn uống cũng rất quan trọng. Nguồn: Getty

Nhiều người có nguy cơ cao mắc bệnh suy dinh dưỡng khi họ không còn tìm thấy niềm vui trong việc ăn uống. Tập trung ăn uống theo cách khiến bạn thoải mái và vui vẻ là rất quan trọng. Điều đó sẽ tạo động lực để bạn bổ sung thực phẩm cho cơ thể khỏe mạnh.

Nếu bạn có thể nếm được vị của những loại thức ăn nhất định, hãy tập trung bổ sung những loại thực phẩm đó thường xuyên hơn.

Thậm chí bạn cũng có thể ăn lặp đi lặp lại một loại thức ăn mỗi ngày. Thông thường, bạn nên có một khẩu phần ăn đa dạng các loại thức ăn. Nhưng ở giai đoạn bị ốm, nếu bạn chỉ muốn ăn những thực phẩm mà mình thích, bạn cũng có thể thử.

Đối với những người đang có các bệnh cần có chế độ ăn hạn chế như bệnh tăng huyết áp hoặc không dung nạp gluten, họ cần ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế khác để đảm bảo lựa chọn thực phẩm cho phù hợp.

4. Chia nhỏ bữa ăn

Trong một số trường hợp, một bữa ăn lớn sẽ là gánh nặng khi mất vị giác.

Vì vậy, hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để có thể bổ sung dinh dưỡng dễ hơn và nhanh hơn. Các bữa ăn có thể cách nhau từ 2 – 4 giờ. Trong mỗi bữa ăn, hãy cố gắng bổ sung đủ chất bao gồm tinh bột, đạm và chất béo có lợi.

5. Vệ sinh răng miệng tốt

Giữ vệ sinh răng miệng để cải thiện vị giác. Ảnh minh họa.

Duy trì vệ sinh răng miệng sẽ cải thiện vị giác của bạn. Bạn hãy giữ cho miệng sạch bằng cách dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên, đồng thời đảm bảo vệ sinh cả lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn.

Một vài người cũng thấy chức năng vị giác được cải thiện khi đánh răng trước khi ăn từ 10 – 20 phút. Giữa các bữa ăn, bạn nên súc miệng để giữ vệ sinh răng miệng.

Dưới đây là công thức pha chế nước súc miệng đơn giản mà bạn có thể tự làm tại nhà:

– Cho 1 thìa cà phê (4g) bột baking soda vào 2 cốc nước (500ml).

– Đổ dung dịch vào chai có nắp đậy kín.

– Trước khi sử dụng, lắc đều rồi đổ 1 muỗng canh (15mL) dung dịch vào cốc.

– Súc miệng trong ít nhất 30 giây.

– Dùng trong ngày, nếu cuối ngày còn thừa thì đem bỏ.

6. Theo dõi hạn dùng thực phẩm

Giảm vị giác sẽ khiến bạn khó nhận biết vị lạ của thực phẩm nếu chúng bị hỏng. Khi gặp tình trạng trên, hãy cẩn thận kiểm tra hạn dùng và vẻ ngoài của sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

7. Uống đủ nước

Thiếu nước sẽ gây khô miệng, điều đó cũng làm tình trạng mất vị giác tệ hơn. Hãy uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày và có thể uống từng ngụm nhỏ khi đang dùng bữa.

8. Bổ sung thực phẩm chức năng

Vị giác bị hạn chế và không có tâm trạng ăn uống dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Bổ sung thực phẩm chức năng có thể là lựa chọn thích hợp, nhưng tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

9. Ăn trong điều kiện môi trường gây mất tập trung

Ăn trong môi trường ồn ào cũng là điều nên thử khi mất vị giác. Ảnh minh họa.

Trái ngược với cách ăn uống tập trung thường ngày, người mất vị giác có thể dùng bữa trong một môi trường ồn ào như bật tivi hoặc ăn tại nơi đông người để giảm sự chú ý tới tình trạng mất vị giác của mình.

10. Tìm sự giúp đỡ từ chuyên giaHãy tìm lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe để giúp bạn đối phó với tình trạng vị giác thay đổi đột ngột. Họ sẽ cung cấp cho bạn những giải pháp và hướng dẫn bạn vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Khai Tâm

Đọc nhiều