129138
category
348076

Thủ đoạn “đổi trắng thay đen” về ngân hàng 0 đồng và mưu đồ đả phá cựu Thống đốc Bình 

Văn Dân 03/01/2020 20:15

Mới đây, trên trang FB có tên “Lực Lượng 47”, đăng tải bài viết “Hướng đến Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: Nguyễn Văn Bình, tội đồ kinh tế hàng đầu đất nước” với nội dung công kích, bịa đặt rằng “ông Bình chỉ đạo đám đại gia Đông Âu cướp trắng một số ngân hàng thông qua hình thức 0 đồng”. Bằng cách đặt vấn đề kiểu kích động như, cơ sở pháp lý nào cho phép mua các ngân hàng này giá 0 đồng? Quyền lợi của các cổ đông nhỏ tại các ngân hàng này mất trắng?, Hoàng Việt – tác giả bài viết đã vẽ ra một cốt chuyện gay cấn về cái gọi là phe phái, thâu tóm, để tranh giành ghế trước kỳ đại hội. Nhưng lại không hay rằng, trò bịp đó chỉ dành cho những ai chưa hiểu vấn đề mà thôi…

Nhớ lại thời điểm năm 2012, nhiều người vẫn còn ái ngại khi nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả của cái loạn “ra ngõ gặp ngân hàng”. Cũng bắt đầu từ này, thanh tra NHNN phát hiện nhiều yếu kém, rủi ro trong hoạt động của 3 Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank), và Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Đến độ phải đặt vào diện kiểm soát đặc biệt theo đúng quy định trong Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng. Đồng thời, ra tối hậu thư cho thời hạn khắc phục trong 2 năm.

Những ngân hàng bị mua 0 đồng bản chất là đã phá sản

Nhưng dù cho đã được NHNN tạo điều kiện cơ cấu lại GPBank vẫn không đề xuất được phương án cơ cấu lại khả thi; VNCB và OceanBank thì không thực hiện được phương án đã được phê duyệt. Thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền. Các phương án xử lý pháp nhân đối với các ngân hàng yếu kém này đều không khả thi như không chào bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức thua lỗ quá lớn. Phương án phá sản thời điểm đó cũng không được thực hiện do chưa có chủ trương vì nếu như vậy, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân, của tổ chức, của Nhà nước sẽ mất theo. Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy, nhưng rối loạn xã hội, trật tự trị an, niềm tin của người dân với Nhà nước, hệ thống ngân hàng, thì không đong đếm được. Một con đê sắp vỡ thì phải vác đất đá, xi măng bịt lại ngay.

Việc này không phải ép buộc mà hoàn toàn trên cơ sở định giá DN, giá trị cổ phiếu, đánh giá độc lập khách quan và là cơ sở để xác định giá. Căn cứ trên cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch gồm: Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng; Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Các TCTD năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014; Quyết định 254 của Thủ tướng về Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

Còn muốn biết chính xác về cái gọi là “quyền lợi của các cổ đông nhỏ tại ngân hàng này mất trắng”, phải nhìn nhận đúng thực trạng của cả 3 ngân hàng trên khi đó. Nhiều chuyên gia đánh giá các ngân hàng này từ lâu chỉ còn là cái vỏ, bề nổi của “chiếc tàu đắm” với món nợ không nhỏ. Do đó, tiền của các cổ đông có lẽ đã… mất từ lâu, từ trước khi NHNN quyết định mua lại. Hay ở một góc độ khác như chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình nhìn nhận: “Đối với cổ đông ngân hàng, việc tuyên bố mua lại ngân hàng này diễn ra sau khi các cổ đông không thông qua được phương án tăng vốn để đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông đã từ bỏ quyền lợi của mình tại ngân hàng”.

Bài viết với nội dung công kích, bịa đặt đăng tải trên FB “Lực Lượng 47”

Vậy nên, tại thời điểm đó, với chủ trương lúc đó, thì phương án mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là cần thiết, không để các ngân hàng yếu kém cò kè mặc cả, bảo vệ tài sản của họ nhưng coi lợi ích của người gửi tiền là rơm rác. Nếu không làm thế, thì khó có thể giữ được an toàn hệ thống. Cũng như bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đây là quan hệ mua bán, chuyển giao giữa nhà nước và cổ đông, không phải là quốc hữu hóa, thâu tóm, hay “cướp trắng” như các luận điệu xuyên tạc đang rêu rao.

Thực tế đã được minh định liền sau đó cho thấy giải pháp mua bắt buộc đã có tác dụng tích cực ngay lập tức đến tâm lý thị trường, người gửi ngừng rút tiền ồ ạt, quay trở lại gửi tiền tại 3 ngân hàng này, dù lãnh đạo các ngân hàng yếu kém đã liên tiếp bị bắt và bị xử lý hình sự. Chính từ kết quả giữ an toàn hệ thống đó, người kế nhiệm trong nhiệm kỳ Thống đốc NHNN hiện nay mới có thể tiếp tục đà củng cố sự bền vững của hệ thống, và tình huống nguy cấp đã không còn.

Ai, tổ chức nào an tâm và phấn khởi với chuyện ngân hàng 0 đồng này có lẽ không cần phải nói thêm nữa. Vậy còn, những kẻ đang ra sức “đổi trắng thay đen” bản chất của việc này, họ đang bảo vệ ai. Là bảo vệ tài sản của những kẻ coi lợi ích của người gửi tiền là rơm rác, thao túng, coi thường kỷ cương phép nước? hay để phục vụ mưu đồ chính trị xấu xa của cá nhân họ qua bài cũ nâng ông này, hạ ông kia, đả phá ráo riết trước mỗi kỳ đại hội.

Văn Dân

Đọc nhiều