425
category
406636

​’Tôi không hối hận khi chọn Việt Nam’

04/07/2020 14:51

Cô Trish Summerfield, một diễn giả người New Zealand, đã nhận định như thế sau hơn 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam.

Trish Summerfield trò chuyện cùng các học viên Trung tâm Inner Space /// NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trish Summerfield trò chuyện cùng các học viên Trung tâm Inner Space

Cô Trish Summerfield đã có nhiều đóng góp đối với hành trình phát triển giá trị nhân văn, đặc biệt là trong các trung tâm cai nghiện. Ngoài ra, cô đang điều hành Inner Space, nơi thường xuyên tổ chức các lớp học miễn phí, giúp con người phát huy sức mạnh nội tâm. Cô đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên.

Nhìn sự việc với diễn giải khác đi

Được biết đến như sứ giả của giá trị sống, cô làm cách nào để truyền tải giá trị sống đến với mọi người?

Với tư cách là người nước ngoài, tôi nghĩ bản thân tôi không có thẩm quyền dạy các bạn về giá trị sống, các bạn vốn đã có những giá trị sống tiềm tàng, tôi chỉ giúp các bạn nhận ra nó và ứng dụng nó vào đời sống. Ví dụ như khi chúng tôi vào các trung tâm cai nghiện, các học viên ở đây đều đang ở những cảm xúc rất tiêu cực, chúng tôi không chối bỏ những cảm xúc đó, chúng tôi lắng nghe họ và làm cách nào đó để họ thoát ra những cảm xúc đó, sống tích cực hơn. Chúng tôi cũng tham gia 165 chương trình truyền hình “Quà tặng cuộc sống” và “Làm bạn với con” từ năm 2007 tới năm 2014.

Covid-19 khiến nhiều người rơi vào khó khăn như trầm cảm, mất việc…, Inner Space đã, đang và sẽ có những chương trình gì để giúp đỡ họ?

Trong tình hình này chúng tôi có thể cung cấp các hỗ trợ nhưng dịch bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Đầu tiên để có thể xử lý một việc gì đó, chúng ta phải tách mình ra khỏi chuyện ấy. Khi đó bạn có thể nhìn sự việc một cách khách quan và đến bước thứ hai bạn sẽ đóng gói những gì không cần thiết. Phương pháp của chúng tôi là giúp họ làm chậm suy nghĩ bằng cách trở về thư thái rồi thiền. Khi đó họ sẽ biết được suy nghĩ nào họ cần, chúng tôi giúp họ có thể đứng ở tư thế khách quan để tự đưa ra quyết định cho mình

Cô nghĩ như thế nào về “xa mặt cách lòng” mùa Covid-19?

Tôi nghĩ rằng trên thực tế, khi dịch xảy ra đã kích hoạt nhiều hành động tốt. Chúng ta không giới hạn việc giúp đỡ trong gia đình nữa mà hướng tới cộng đồng. Điển hình như cây ATM gạo,… đây là hành động lá lành đùm lá rách, vượt qua giới hạn, giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn. Chúng ta có thể nhìn sự việc với diễn giải khác đi. Tôi nhớ có một cặp vợ chồng đi cách ly 2 tuần. Ông chồng thì nói ông đã tìm ra được những điều mới lạ còn bà vợ lại thấy chán vô cùng. Điều này chứng minh rằng ta không thể tác động lên sự kiện nhưng ta có thể thay đổi cách diễn giải nó.

Nhiều tiền chưa chắc là một quốc gia phát triển

Trong suốt 20 năm sinh sống và hoạt động ở Việt Nam, cô có bao giờ thấy hối hận về điều gì chưa?

Có một vài lần hối hận khi tôi không vượt qua được cảm xúc bên trong, đó là lúc tôi thấy hối hận cho chính bản thân mình. Nhưng với quyết định chọn Việt Nam, từ ngày tôi đi tôi chưa từng hối hận.

Cô có gặp khó khăn gì khi chuyển đến một quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

Với sự đo lường của tôi trên nhiều quốc gia khác, tôi không nghĩ có nhiều tiền là quốc gia đó phát triển. Theo tôi, quốc gia phát triển hay không phụ thuộc vào cách đối nhân xử thế, cách họ sống theo các chuẩn mực đạo đức. Bởi vì tôi biết nếu tôi có thu nhập cao nhưng tôi không sống với những giá trị cốt lõi của mình thì liệu tôi có xem mình là một người phát triển không. Đối với New Zealand hay Úc, dù thu nhập của họ rất cao nhưng lại đứng số 1, số 2 trên thế giới về người trẻ tự tử.

Cô cảm nhận như thế nào về thái độ của người Việt Nam đối với người nước ngoài?

Các bạn là những thiên thần rất ngọt ngào, dịu dàng, đáng yêu. Với tôi, Việt Nam là đất nước rất đẹp và an toàn. Ngay cả khi lái xe máy, họ cũng chủ động nhường đường cho tôi.

Lê Huỳnh Giao (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM)

Tags :
Đọc nhiều